Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 12/3/2011 9:26'(GMT+7)

Gỡ “vướng” cho BHYT

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói, BHXH và BHYT đóng vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Chính vì thế năm 2006 Luật BHXH ra đời, và hai năm sau (2008) đến Luật BHYT nhằm hoàn thiện dần hành lang pháp lý cho hai chính sách này.

Theo bà Mai, đến nay cả nước đã có 9,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc - chiếm 18% tổng số lao động, và gần 100 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, cùng 5,8 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp. Còn lượng người tham gia BHYT hiện nay chiếm khoảng 62% dân số (năm 2000 chỉ 13,4%). Phần lớn các đại biểu cũng nhìn nhận, giá cả các dịch vụ y tế, thuốc men tăng cao, nếu không tham gia BHYT thì khi lâm bệnh nặng, người bệnh nghèo sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong điều trị, họ sẽ không có khả năng chi trả để theo đuổi việc chữa trị.

Tuy nhiên theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), hiện vẫn tồn tại nhiều nguyên nhân khiến người dân không muốn đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Đó là thủ tục chuyển viện của BHYT còn phiền hà; khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ, trang thiết bị khám chữa bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh; nhiều bệnh viện tuyến T.Ư quá tải; vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT ở một số trường hợp... “Chúng ta cần xem xét Quỹ BHYT kết dư, nhưng quyền lợi của người bệnh như thế nào? Làm sao để giảm bớt các khâu gây phiền hà cho người bệnh BHYT”, bà Hương thẳng thắn.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho rằng có quá nhiều thủ tục hành chính khi khám chữa bệnh BHYT, như: thẻ BHYT, giấy chuyển viện tuyến trước, chuyển theo tuyến, chẩn đoán trên giấy chuyển viện phải phù hợp... “Chẳng hạn bệnh nhân BHYT ở tuyến huyện muốn chuyển lên bệnh viện tuyến T.Ư chữa trị ít nhất cần phải có đến 2 giấy chuyển viện. Một số trường hợp cần dùng thuốc chữa ung thư, thuốc chống thải ghép (sau ghép thận) nằm ngoài danh mục, để được BHYT chi trả phải có giấy xác nhận tham gia BHYT 3 năm liên tục”, BS Sơn nói.

Trên thực tế, nhân viên y tế, bác sĩ thường không hướng dẫn cặn kẽ cho người bệnh BHYT về các thủ tục, giấy tờ khi chuyển viện, khiến nhiều bệnh nhân lên tuyến trên rồi phải quay về tận quê bổ sung giấy tờ để được chi trả BHYT...

Theo Thanh Tùng/Thanhnien.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất