Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 10/3/2011 10:57'(GMT+7)

Tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới

Theo ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng vụ bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH; chiến lược QGVBĐG được xây dựng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn đến năm 2010 và sau hơn 2 năm thực hiện Luật BĐG. Ngoài mục tiêu tổng quát, chiến lược còn 7 nhóm mục tiêu cụ thể, kèm theo các nhóm giải pháp để thực hiện. Trong đó phải kể đến mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; và mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG.

Tại hội nghị sơ kết mạng lưới truyền thông về bất bình đẳng giới mới do tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa tổ chức tại Đà Nẵng, ông Phạm Ngọc Tiến đã dành thời gian trao đổi với báo chí xung quanh chiến lược này.

PV: Có ý kiến băn khoăn về tính khả thi về một số mục tiêu trong Chiến lược này. Theo ông, việc thực hiện các mục tiêu trong chiến lược liệu có được đảm bảo ?

Ông Phạm Ngọc Tiến: Bản thân chúng tôi trong ban soạn thảo, tổ biên tập cũng như nhiều chuyên gia cũng cảm thấy nhiều điều còn gây tranh cãi về một số nội dung cũng như chỉ tiêu. Có những mục tiêu được cho là đặt kỳ vọng cao quá. Ví dụ mục tiêu số 1 về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và các chỉ tiêu về tham chính. Thực tế khi đánh giá lại 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn đến 2010, đây là chỉ tiêu không đạt được. Chỉ tiêu đề ra là 15% cấp ủy Đảng các cấp là phụ nữ, tuy nhiên đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ đạt 9%, cấp tỉnh là 11,8%. Trong khi đó, mục tiêu Chiến lược đặt ra đến năm 2020 đạt 25% chắc chắn là sức ép rất lớn.

Chiến lược này là một bộ phận cấu thành chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và liên quan đến các văn bản đã ra từ trước như Nghị quyết XI của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất, cho nên buộc chúng ta phải thực hiện. Nếu cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng vào cuộc cùng những giải pháp cụ thể, thiết thực và những nguồn lực cụ thể, hy vọng đến năm 2020 chúng ta sẽ đạt được chỉ tiêu.

Để đạt được các tiêu chí trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đưa ra, theo tôi có 2 giải pháp rất quan trọng. Thứ nhất, công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Kinh nghiệm cho thấy, khi giải quyết vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình, một trong những điều kiện tiên quyết mà chúng ta thành công đó là có chiến lược truyền thông rất đúng đắn và mạnh mẽ. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi từ người dân đến cán bộ lãnh đạo các cấp.

Thứ hai là nguồn lực. Rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2010 không đạt được, bởi chúng ta thiếu nguồn lực. Vì vậy phải có những chương trình, dự án bằng nguồn kinh phí cụ thể để có thể đáp ứng được yêu cầu chúng ta đặt ra thì mới có thể thực hiện được.

PV: Theo ông, khó khăn nhất ở các địa phương khi triển khai thực hiện Chiến lược này là gì, và để thực hiện hiệu quả Chiến lược chúng ta cần những yếu tố nào?

Ông Phạm Ngọc Tiến: Một trong những khó khăn chính là bộ máy. Chúng ta thiếu nguồn lực, nhân lực cũng như kỹ năng. Càng xuống cấp cơ sở càng trở nên khó khăn hơn. Đối với các địa phương, nhiệm vụ tăng thêm nhưng con người không được tăng. Các địa phương có 1 - 2 cán bộ phụ trách về giới, nhưng thường là kiêm nhiệm; bộ máy cũng chưa ổn định. Trên toàn quốc mới có 9/63 tỉnh, thành phố có Phòng BĐG, trong đó 4 tỉnh có Phòng BĐG riêng, còn lại ghép với phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em, bảo hiểm xã hội…

Những địa phương có Phòng BĐG riêng, cán bộ chuyên trách về BĐG, công tác về giới đã đi vào quy củ. Nhưng những nơi chưa có cán bộ chuyên trách thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối từ trên xuống.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Tuấn Đạt (ghi)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất