Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 7/5/2012 0:47'(GMT+7)

Góp phần hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng

 
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương CVÐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", CVÐ đã góp phần từng bước hình thành nét văn hóa trong sản xuất và sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, dần xóa bỏ tâm lý sính "hàng ngoại" trong một bộ phận người tiêu dùng trong nước.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực CVÐ Vũ Trọng Kim đánh giá, năm 2011, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp, các DN và nhiều cơ quan báo chí... đã tích cực tham gia CVÐ. Ý thức của người dân, doanh nghiệp (DN) về sản xuất, sử dụng hàng Việt có nhiều thay đổi. Nhiều DN trước đây chuyên sản xuất hàng xuất khẩu thì nay đã quan tâm thị trường trong nước. Hệ thống phân phối hàng hóa không chỉ có mặt tại các chợ trung tâm của thành phố lớn, siêu thị mà còn có mặt tại các chợ truyền thống ở nông thôn. Ðối với các DN trong nước, nhất là các DN vừa và nhỏ, CVÐ này có thể coi là "cơ hội vàng" để nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu, đồng thời cũng là dịp để các DN khẳng định vai trò, trách nhiệm và khả năng hoạt động của mình đối với thị trường và người tiêu dùng trong nước.

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm qua, với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 55 tỷ đồng, đã tổ chức được 156 đợt bán hàng về nông thôn, với hơn 1.627 lượt DN tham gia, thu hút 655.179 lượt người dân các địa phương đến mua sắm, doanh thu hơn 57 tỷ đồng; các Sở Công thương tổ chức được 32 đợt khuyến mại, 128 hội chợ, triển lãm, thu hút hàng chục nghìn DN tham gia, với tổng doanh thu gần 1.600 tỷ đồng... Ðể bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 156.182 vụ, xử lý 68.235 vụ vi phạm, trong đó có tới 10.025 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 11.372 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; 39.250 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; 7.588 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá.

Hưởng ứng thực hiện CVÐ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phát triển, mở rộng hệ thống phân phối ở hầu hết các tỉnh, thành phố với hơn 3.100 đại lý, 58 siêu thị và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước; Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sử dụng hàng hóa, vật tư, nhiên liệu trong nước. Một số đơn vị đã cải tiến hệ thống lò nung từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng sản xuất trong nước, tiết kiệm 71,6 tỷ đồng/năm; Tập đoàn cao-su Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sử dụng hàng hóa, vật tư, nguyên liệu trong nước, sử dụng 100% số sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, dụng cụ trong nước sản xuất; Công ty cổ phần Thành Ðô (Lạng Sơn) có nhiều giải pháp đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, 95% trong tổng số 100.000 mặt hàng của công ty do các DN trong nước sản xuất; Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị thiết lập chuỗi cửa hàng địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa với 2.000 mặt hàng trong nước sản xuất; Siêu thị Gia Ðình (Móng Cái, Quảng Ninh) có 3.000 mặt hàng thương hiệu Việt, chiếm hơn 81% các mặt hàng bày bán tại đây.

Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, theo số liệu nghiên cứu mới đây về xu hướng tiêu dùng của Công ty Nielsen cho thấy, có đến 90% số người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt, ở Hà Nội là 83%. Trong đó, 59% số người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt, 38% số người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 36% chủ động khuyên người dân, bạn bè ưu tiên dùng hàng trong nước.

Thứ trưởng Thông tin-Truyền thông Trần Ðức Lai chia sẻ, nếu trước đây, các sản phẩm công nghệ cao được sử dụng chủ yếu nhập của nước ngoài thì nay đã có hơn 100 sản phẩm công nghệ cao do trong nước sản xuất đã chiếm lĩnh thị trường. Nhiều nhà đầu tư FDI đã tham gia và mua lại dự án công nghệ của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVÐ Huỳnh Ðảm khẳng định: Cuộc vận động đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam. Cuộc vận động không chỉ góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần thúc đẩy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, qua ba năm thực hiện CVÐ, đến nay một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện CVÐ. Ðến tháng 1-2012 còn 34/63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc và 18/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện CVÐ theo tinh thần của Bộ Chính trị. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức sơ kết thực hiện CVÐ của Ban chỉ đạo ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng, bị động, thiếu nghiêm túc. Trong năm 2011, còn 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc và 20/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây dựng kế hoạch triển khai CVÐ; 6/63 tỉnh, thành phố và 18/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện CVÐ. Sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo CVÐ với các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị- xã hội, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan quản lý, cơ quan tuyên truyền, báo chí trong triển khai thực hiện CVÐ ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Việc tuyên truyền về CVÐ chưa thường xuyên liên tục, chỉ rộ lên ở những đợt cao điểm, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình thực hiện tốt CVÐ.

Chủ tịch Huỳnh Ðảm yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVÐ tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, không ngừng nâng cao nhận thức của mỗi cấp, mỗi ngành trong hệ thống chính trị, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của mình; lưu ý các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với các cơ quan thông tấn, báo chí. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ...

Ðề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DN trong thực hiện CVÐ, gương mẫu đi đầu trong mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, rà soát, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt. DN, nhà sản xuất trong nước tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Ðồng thời, hỗ trợ kịp thời các DN thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, nhất là các DN dịch vụ phân phối đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

HÀ ANH
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất