Tại Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn góp ý Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp 1992 do Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức, đã tập
trung vào những vấn đề như chế độ chính trị; kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa
học, công nghệ; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đa số ý kiến đồng tình quan điểm: Quyền lập hiến là quyền của nhân dân, Quốc
hội chỉ là cơ quan lập pháp. Do vậy, Hiến pháp sau khi xây dựng cần đưa ra để
dân phúc quyết, như vậy mới thể hiện tính dân chủ và phát huy quyền dân chủ trực
tiếp của nhân dân...
Nhiều ý kiến tán thành Dự thảo Hiến pháp quy định về quyền con người, quyền công
dân có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, quy định tại Khoản 2, Điều 15 về trường hợp
quyền con người, quyền công dân bị giới hạn, còn chung chung, dễ dẫn đến tùy
tiện, hoặc xảy ra oan sai. Nên quy định các quyền này chỉ bị giới hạn khi phải
chịu trách nhiệm pháp lý.
Có ý kiến cho rằng, tại Điều 39 không nên ghi rõ nam, nữ có quyền kết hôn, ly
hôn mà chỉ nên ghi pháp luật Nhà nước thừa nhận hôn nhân theo nguyên tắc tự
nguyện, tiến bộ là đủ. Như thế sau này nếu Nhà nước thừa nhận hôn nhân đồng giới
như một số nước trên thế giới thì không phải sửa Hiến pháp chỉ vì chi tiết này.
Tại các Hội nghị lấy ý kiến các nhà hoạt động chính trị, các nhà khoa học do Ủy
ban Nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức, các ý kiến
đều thống nhất, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này có nhiều điểm tiến
bộ, thể hiện được ý chí của toàn Đảng, toàn dân, góp phần thể chế hóa Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển
năm 2011), Văn kiện Đại hội XI của Đảng, qua đó góp phần thực hiện dân chủ, phát
huy trí tuệ tập thể trước những vấn đề hệ trọng của đất nước...
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Lan (Học viện Chính trị Khu vực 3) cho rằng,
nhiều vấn đề cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phải đề cập toàn
diện, rõ ràng hơn, như quy định về các nguyên tắc cơ bản; chế độ chính trị; nền
tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; về tổ chức quyền
lực Nhà nước; về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo
hướng ngày càng tương thích với các giá trị chung của nhân loại, song cũng thể
hiện tính kế thừa hợp lý những giá trị phản ánh tính đặc thù chính trị, pháp lý
của Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Về Điều 9 của Dự thảo, đa số các ý kiến góp ý: nên quy định rõ thành một khoản
trong điều này về việc Nhà nước phải tạo điều kiện và có cơ chế để Mặt trận và
các tổ chức thành viên thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Tại
Điều 4 của Dự thảo đã quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, tại Điều 9
phải bổ sung quy định Mặt trận có quyền giám sát và phản biện xã hội đối với
hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên.
Tại Khoản 3, Điều 9 cần phải ghi rõ Nhà nước “phải đảm bảo” chứ không phải
“tạo điều kiện” để Mặt trận và các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác
hoạt động. Các ý kiến đồng tình Dự thảo lần này có nhiều tiến bộ khi đưa ra các
quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, cần bỏ các
cụm từ “lợi dụng” trong phần này và trong cả toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992 vì dùng từ này dễ dẫn đến sự suy diễn, tùy tiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ
cơ bản của công dân, cần được quy định cụ thể, nhưng phải đảm bảo
tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng), con người là
vốn quý nhất của xã hội, do vậy trách nhiệm của Nhà nước, của cộng
đồng là phải thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con
người, quyền công dân, quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ
công dân.
Các quyền và nghĩa vụ đối với tất cả mọi người không phân
biệt công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch
thì được thể hiện bằng từ "mọi người" còn đối với những quyền và
nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam thì Dự thảo dùng từ
"công dân," như vậy là cụ thể, rạch ròi./.
Văn Sơn (TTXVN)