Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 15/4/2009 20:23'(GMT+7)

Góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân

BS Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn thủ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn tại BVĐK Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre (Ảnh: Báo Đồng Khởi)

BS Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn thủ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn tại BVĐK Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre (Ảnh: Báo Đồng Khởi)

TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo thống kê mới nhất, đến tháng 3/2009, đã có 59 bệnh viện cử 1.246 lượt cán bộ đi luân phiên về 57 tỉnh, thành phố. Trong đó có 31 bệnh viện Trung ương; 4 bệnh viện thuộc T.P Hà Nội; 22 bệnh viện thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh; BV Việt Tiệp Hải Phòng; BV Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện tỉnh về giúp bệnh viện huyện và từ bệnh viện huyện về khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã như Hà Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Điện Biên, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế…Cán bộ y tế đi luân phiên đã tham gia các lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở, chuyển giao kỹ thuật thuộc 20 lĩnh vực chuyên môn cho tuyến dưới; khám trực tiếp cho 53,973 lượt bệnh nhân và phẫu thuật tại chỗ cho 795 bệnh nhân. Sau một thời gian triển khai Đề án 1816, tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên đã giảm đi 30%.

Nhiều năm qua, các bệnh viện tuyến trên đã có nhiều cố gắng việc chuyển giao kỹ thuật y tế mới cho các bệnh viện tuyến dưới thông qua hình thức “Chỉ đạo tuyến”. Song vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Chất lượng công tác khám chữa bệnh bị hạn chế nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi dẫn đến công tác CSSK người dân bị hạn chế.

Từ năm 2000, Bộ Y tế đã phát động phong trào: “Tăng cường cán bộ y tế về cơ sở công tác” và đạt được hiệu quả nhất định. Sau đó, để tiếp tục triển khai chủ trương này, khắc phục những hạn chế trong công tác khám chữa bệnh ở các vùng khó khăn, Bộ Y tế đã nâng lên thành Đề án 1816 với các chế độ, chính sách đi kèm, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của Đề án. Ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1816/2008/QĐ/BYT phê duyệt Đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (Đề án 1816). Đề án 1816 hướng đến 3 mục tiêu: Một là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; hai là, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; ba là, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới. Sau một thời gian triển khai, Đề án 1816 đã cho thấy những kết quả tích cực với ý nghĩa xã hội và nhân văn bảo đảm tính công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Đơn cử như Lai Châu, là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhân lực ngành y tế tỉnh còn thiếu và yếu (hiện còn thiếu 732 cán bộ y tế), chưa có bác sỹ chuyên khoa sâu về các chuyên ngành. Do thiếu bác sĩ nghiêm trọng nên chất lượng khám chữa bệnh chưa được như mong muốn. 100% bác sĩ bệnh viện tỉnh Lai Châu đều làm việc quá tải, nhiều bác sĩ phải thêm giờ 700 đến 800 giờ/năm gấp 3 đến 4 lần quy định. Do vậy, tại BV Đa khoa tỉnh cũng không đủ nhân lực bác sỹ để luân chuyển thường xuyên xuống các huyện mà chỉ có thể tổ chức theo đợt, khi đó các bệnh viện huyện phải thực hiện tuyên truyền và thu gom bệnh nhân. Điều kiện môi trường công tác, đời sống cán bộ y tế quá khó khăn, thu nhập bình quân quá thấp không có điều kiện phát triển thêm kinh tế. Trong khi đó, đồng bào các dân tộc có nhiều phong tục tập quán lạc hậu khác nhau, bệnh tật ngày phức tạp và nặng nề, nhu cầu khám chữa bệnh của đồng bào ngày càng cao... Từ khi triển khai Đề án 1816, bệnh viện ĐK tỉnh Lai Châu đã tiếp đón 47 lượt cán bộ tuyến trên về tỉnh. Số bệnh nhân phức tạp phẫu thuật đặc biệt tăng bệnh nhân tuyến dưới về tỉnh tăng gần 2000 ca, giảm gần 100 ca không phải chuyển về tuyên trên. Tại tuyến huyện và trạm y tế xã, hàng ngàn lượt bệnh nhân được khám chữa bệnh, được siêu âm, làm xét nghiệm. Trước những hiệu quả trông thấy ấy, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Lai Châu, ông Đỗ Văn Giang bày tỏ: “Đề án 1816 cần được ưu tiên số một cho Lai Châu và tiếp tục thực hiện như năm 2008 kéo dài đến năm 2013 có thể lâu hơn nữa nếu chưa có giải pháp nào tốt hơn, các Bệnh viện sẽ thực hiện tốt hơn nữa đề án 1816 để không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.

TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với 22 bệnh viện thuộc Sở Y tế TP, tham gia cử tới 381 lượt cán bộ về hỗ trợ tuyến dưới. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau 8 tháng tiến hành đề án, BVCR thực hiện 12 đợt luân phiên đã cử 222 cán bộ của 27 chuyên khoa về hỗ trợ 8 bệnh viện tuyến dưới (Bệnh viện Trà Vinh, Bệnh viện Sóc Trăng, Bệnh viện Bình Phước, Bệnh viện Bình Thuận, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre, Bệnh viện Vĩnh Long, Bệnh viện DakNong, Bệnh viện Bạc Liêu), đã chuyển giao được 217 kỹ thuật, đào tạo được 605 cán bộ, trực tiếp cùng với bác sĩ tuyến dưới điều trị và phẫu thuật nhiều bệnh nhân. Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh và trình độ chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới ngày càng cải thiện, số lượng bệnh nhân chuyển lên BVCR giảm dần.

Đánh giá về việc thực hiện đề án này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định tại Hội nghị Sơ kết Đề án 1816 ngày 14/4: “Đề án 1816 đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới có chuyển biến rõ rệt. Nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tỉnh thành đã từng bước làm chủ được các kỹ thuật do các bệnh viện tuyến trên chuyển giao”. Trước những kết quả trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị đã nhận định: “Việc triển khai đề án này thể hiện sự năng động và sáng tạo của ngành y tế trong việc thực hiện các đường lối, chính sách về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của Đảng và Nhà nước”.

Bên cạnh những kết quả trông thấy rõ, lãnh đạo Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục như vẫn còn sự nhầm lẫn giữa công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816; việc khảo sát chậm trễ, lập kế hoạch và cử cán bộ đi luân phiên còn trì hoãn hoặc chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cũng khẳng định: “Đề án 1816 là một chủ trương lớn sẽ được thực hiện trong một thời gian dài” và quyết tâm phát động phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành y tế hưởng ứng tham gia tăng cường cán bộ tuyến trên về tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo tinh thần của Đề án.

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 42 – KL/TW ngày 01/4/2009 đã chỉ rõ: “Việc thực hiện chính sách luân phiên cán bộ và thực hiện nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và vùng khó khăn là cần thiết, góp phần thực hiện công bằng xã hội…tiến tới luật hoá nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ y tế đối với vùng kinh tế xã hội khó khăn của đất nước”. Đề án 1816 là chủ trương lớn của ngành y tế thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/5/2005 của Bộ Chính trị (khoá IX).

Bích Hạnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất