Thời gian gần đây, trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh xuất hiện mô hình dạy bơi phòng, tránh đuối nước trên kênh mương thủy nông, phù hợp với thực tế. Tuy vậy, việc nhân rộng và duy trì các mô hình này lâu dài, hiệu quả đang gặp khó khăn.
Việc huy động xã hội hóa để xây dựng bể bơi đúng quy chuẩn phải phụ thuộc nhiều yếu tố và kinh phí cao nên các địa phương, trường học tại Nghệ An và Hà Tĩnh rất khó thực hiện. Các bể bơi tư nhân tại Nghệ An và Hà Tĩnh cũng không có nhiều và nếu có, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho con học bơi. Một số trường học vận động được nguồn xã hội hóa triển khai bể bơi thông minh, lắp ghép, di động. Hy hữu một vài địa phương đang áp dụng thí điểm mô hình dạy bơi tại các kênh thủy lợi, ao hồ, sông suối có độ sâu vừa phải. Những mô hình này dù chưa nhiều nhưng cũng có những tín hiệu tốt, góp phần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước vốn rất cần thiết cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng nông thôn.
Tại huyện Đô Lương (Nghệ An), mô hình dạy bơi cho trẻ em trên kênh thủy lợi được người dân rất ủng hộ. Cứ 17 giờ hằng ngày, tại kênh dẫn nước thủy lợi tại xã Văn Sơn và xã Nhân Sơn (Đô Lương) có rất đông phụ huynh và trẻ em tập trung về đây để học bơi. Sáng kiến này do Huyện đoàn Đô Lương đề xuất và triển khai thực hiện được hai năm nay. Huyện đoàn Đô Lương chọn một số dòng kênh thủy lợi có mực nước nông, địa hình bằng phẳng và mời thầy giáo đứng lớp dạy bơi cho trẻ em.
Bám vào lịch bơm nước thủy nông cho vụ hè thu, Huyện đoàn sẽ thông báo đến từng thôn, xóm để trẻ em tới các địa điểm tập trung để học bơi. Trẻ em đến học bơi được cấp áo phao, được chia thành hai lớp: Chưa biết bơi và đã biết bơi. Những trẻ chưa biết bơi được học những kỹ năng bơi lội cơ bản. Những trẻ đã biết bơi được trang bị những kiến thức về phòng, chống đuối nước. Thực tế, những tai nạn đuối nước, cho dù nạn nhân biết bơi nhưng do thiếu kỹ năng xử lý tình huống, mất bình tĩnh vẫn có thể gặp nạn.
Mỗi khi có lịch học bơi trên kênh thủy nông, chị Trần Thị Thanh Huyền (xóm 5, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương) lại đưa con đến. Chị chia sẻ: “Mô hình này rất thú vị và cũng khá an toàn lại không mất chi phí. Trẻ em và phụ huynh được tự do bơi lội và kèm cặp con em mình học bơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nước ở kênh thủy lợi xả từ thượng nguồn sông Lam về nên khá sạch sẽ”.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Huyện đoàn Đô Lương cho biết: “Để bảo đảm an toàn, Huyện đoàn phối hợp với cơ sở đoàn ở các thôn, xóm khuyến cáo gia đình, dặn dò trẻ chỉ học bơi khi có sự kèm cặp của phụ huynh và khi Huyện đoàn tổ chức để tránh những tình huống trẻ tự xuống kênh thủy lợi học bơi. Bên cạnh việc tổ chức dạy bơi, Huyện đoàn cũng tổ chức cắm biển cảnh báo tại những nơi ao, hồ, sông suối có mực nước sâu, tuyên truyền các kỹ năng phòng, chống đuối nước”.
Dù chưa đạt quy chuẩn của một bể bơi thực thụ nhưng đây là mô hình khá lý thú, phù hợp với tình hình thực tế ở nông thôn, tạo cho các em sân chơi bổ ích trong dịp hè. Khó khăn nhất là mô hình dạy bơi này phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi. Chỉ khi trạm thủy nông bơm nước tưới cho đồng ruộng thì Huyện đoàn Đô Lương mới có thể triển khai được các buổi dạy bơi, trong khi lịch bơm thủy nông lại không thể tùy tiện bơm nước chỉ để học bơi vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gieo trồng và tăng chi phí thủy nông.
Là địa phương có nhiều ao, hồ, sông, suối, thường bị lũ lụt và đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã chủ động tổ chức dạy bơi tại tất cả trường tiểu học trên địa bàn. Bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, đến nay, Hương Khê đã có 24 bể bơi thông minh trong trường học (23 bể bơi ở trường tiểu học, 1 bể bơi ở trường THCS) tại 23 xã, thị trấn; đã dạy bơi cho hàng nghìn học sinh.
Theo thống kê, chỉ riêng ở Nghệ An năm 2018 có 20 em tử vong vì đuối nước và chỉ 5 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 30 em đuối nước. Vì thế, việc triển khai, nhân rộng các mô hình dạy bơi cho trẻ em, nhất là trẻ em nông thôn, nơi thiếu các thiết chế văn hóa vui chơi là điều rất cần thiết. Nhưng chọn được mô hình dạy bơi cho trẻ em phù hợp với thực tế của địa phương và duy trì lâu dài, bảo đảm an toàn cần sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp các ngành và chính từ gia đình các em.
Bài và ảnh: Hoàng Hoa Lê/QĐND.VN