(TG) - Chiều ngày 13/8/2019, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm về hợp tác đào tạo nhằm trao đổi về xu hướng, nhu cầu, kinh nghiệm về đào tạo nghề gắn với việc làm và giới thiệu Trường Đại học JeoJu (Hàn Quốc) và Chương trình liên kết đào tạo gắn với việc làm, đặc biệt tập trung vào các ngành kỹ thuật, kết nối hợp tác với các trường Cao đẳng nghề Việt Nam
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng: Việc hợp tác là cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng đào tạo thông qua việc đổi mới chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng giáo viên. Đây cũng chính là mong muốn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết: "Trường Đại học JeonJu Hàn Quốc là trường Đại học đào tạo đa ngành, với phương pháp đào tạo hiện đại theo định hướng của doanh nghiệp. Bộ LĐTBXH đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác với trường JeonJu với các hoạt động như: Kết nối cung cầu nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cho học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trao đổi sinh viên; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên; chuyển giao và tiếp nhận chương trình đào tạo giữa Đại học JeonJu và các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam; trao đổi kinh nghiệm đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động...".
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết với doanh nghiệp, ông Jeong Sang Seo, Đại diện Đại học Jeonju (Hàn Quốc) cho rằng các công ty không có trách nhiệm đào tạo, chỉ tuyển dụng lao động đáp ứng đủ yêu cầu và trả lương xứng đáng.
"Đại học Jeonju tìm đến và phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên những kỹ năng mà họ cần. Nhờ đó 100% sinh viên tốt nghiệp từ Jeonju có việc làm. Sự chủ động của nhà trường đóng vai trò quyết định trong việc đạt được thỏa thuận hợp tác và liên kết với doanh nghiệp", ông Jeong Sang Seo nói.
Để giải quyết bất cập này, doanh nghiệp và trường nghề cần chủ động tìm đến nhau, thống nhất lợi ích của hai bên để mở rộng phạm vi liên kết không chỉ trong khuôn khổ sinh viên thực tập mà còn trong lĩnh vực đào tạo, ông Đỗ Văn Giang, Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nói.
Hai năm vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phê duyệt chương trình tạo đà cho các trường dạy nghề và doanh nghiệp kết nối với nhau. Nghị định 15/2019 và Thông tư 96/2015 nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. "Các cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò trung gian, gợi mở và tạo cơ hội cho doanh nghiệp, trường nghề kết nối với nhau, chứ không thể làm thay hai bên", ông Giang nói.
Chi tiết thỏa thuận và việc phân chia lợi ích phải do hai bên thảo luận và đi đến thống nhất bởi mỗi trường có thế mạnh về một ngành, nghề và hướng tới những đối tượng doanh nghiệp riêng biệt. Theo ông Giang, sắp tới Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện vai trò trung gian và gắn kết, tổ chức thêm nhiều hội thảo gặp gỡ, ký kết thỏa thuận giữa doanh nghiệp và trường nghề, góp phần giải quyết bất cập trong việc xây dựng liên kết hai bên.
Tại buổi tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa trường Đại học JeonJu Hàn Quốc với 2 trường cao đẳng của Việt Nam là Trường Cao đẳng kinh tế Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng kỹ nghệ 2 thành phố Hồ Chí Minh./.
A. Thư