Nhằm chuẩn bị các ý kiến tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sắp tới, ngày
7/10, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự
án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý các nội dung như đánh giá tác động
môi trường, tình trạng ô nhiễm gần khu dân cư, chế tài xử phạt...
Góp ý
về vấn đề vệ sinh môi trường trong công tác mai táng, hỏa táng, đại diện Sở Xây
dựng Thành phố Hồ Chí Minh góp ý tại điểm b, Điều 62 quy định "Khu vực mai táng,
hỏa táng phải đảm bảo các yêu cầu: Có vị trí, khoảng cách đáp ứng điều kiện vệ
sinh môi trường, cảch quan khu dân cư." Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định khoảng
cách đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường và khu dân cư là bao nhiêu.
Trong khi đó, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Chính phủ có
ban hành Nghị định 35/2008/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang
nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể cho nội dung này; Bộ Y tế cũng không có
văn bản hướng dẫn về khoảng cách an toàn của nghĩa trang, nghĩa địa đến dân cư
là bao nhiêu.
Thực tế, trên địa bàn các huyện vùng ven thành phố, nghĩa
địa tồn tại trong khu dân cư vẫn còn, một số nghĩa địa phù hợp quy hoạch nhưng
nhà ở dân cư tiếp giáp với nghĩa địa; việc áp dụng các quy định pháp luật để vận
động, buộc phải đảm bảo khoảng cách an toàn với khu nghĩa địa chưa cụ thể, chưa
thuyết phục.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần hướng dẫn thống nhất về điều
kiện, khoảng cách đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường và cảnh quan đối với
nghĩa trang, nghĩa địa, giúp địa phương và các sở, ban, ngành liên quan từng
bước hoàn chỉnh quy hoạch nghĩa trang tập trung và đóng dần các nghĩa địa địa
phương không đảm bảo an toàn điều kiện vệ sinh môi trường.
Các đại biểu
dự hội thảo còn cho rằng việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong các hộ gia đình,
đặc biệt là hộ chăn nuôi lớn cũng phải có quy định chặt chẽ.
Ông Nguyễn
Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi nêu rõ điểm đ, khoản 1,
Điều 60 quy định hộ gia đình đảm bảo vệ môi trường phải có công trình vệ sinh,
chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với khu vực
sinh hoạt của con người. Tuy nhiên, quy định này không quy định điều kiện chăn
nuôi, xử lý đảm bảo chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn đối với sinh
hoạt con người và khu dân cư.
Thực tế Củ Chi là huyện nông nghiệp, chăn
nuôi quy mô gia đình rất nhiều từ 100-500 gia súc/trại; việc xử lý chất thải
thường xử lý dạng biogas, trong khi đó, nước thải sau biogas, lượng ô nhiễm rất
cao, gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.
Theo ông Dũng, Luật Bảo vệ môi
trường điều chỉnh cho đối tượng này không có, nước thải của các hộ chăn nuôi áp
dụng theo quy chuẩn số 01-14:2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
dùng cho quy mô trang trại tập trung luôn vượt quy chuẩn. Vì vậy, trong Dự án
Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này, cần quy định cụ thể điều kiện chăn
nuôi, biện pháp xử lý chất thải đảm bảo cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của
hộ gia đình đảm bảo an toàn đối với sức khỏe con người và khu dân
cư.
Cũng đề cập đến bảo đảm vệ sinh trong các khu dân cư, đại diện Sở Y
tế thành phố đề nghị bổ sung thêm nội dung tại điểm d, khoản 1, Điều 37: Có biện
pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất qua việc sử dụng bể tự hoại tại các
hộ dân. Lý do là hiện nay 80% người dân thành phố đang sử dụng bể tự hoại và
việc những bể tự hoại này bị hư hại, rò rỉ chính là nguyên nhân chủ yếu gây ô
nhiễm cho hơn 47% lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo,
một số đại biểu cũng có kiến nghị liên quan đến vấn đề đánh giá tác động môi
trường cần được sửa đổi. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 13 về Đối tượng phải thực
hiện đánh giá tác động môi trường quy định Dự án có tác động xấu đến các thành
phần môi trường và xã hội phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, Dự thảo không giao cho Chính phủ xác định danh mục các dự án
tác động xấu đến các thành phần môi trường và xã hội. Các đại biểu kiến nghị cần
ban hành danh mục các dự án như vậy để giúp địa phương thống nhất trong việc
triển khai thực hiện./.
H. Chung
(TTXVN)