Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 1/10/2013 17:1'(GMT+7)

Nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) cùng Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (Sida) tổ chức hội thảo “ Nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam- Áp dụng thí điểm đánh giá rủi ro sinh thái (ERA) và tiếp cận dự trữ sinh quyển”. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, Ủy ban UNESCO, tổ chức Sida và Đại học Stockholm (Thụy Điển), cùng với đại diện một số khu dự trữ sinh quyển và di sản của Việt Nam, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tổ chức phi chính phủ và nhà tài trợ.

Hội thảo này với mục đích tạo diễn đàn thảo luận về những cơ hội, thách thức trong quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển và thúc đẩy sinh kế ứng phó dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đạt được thông qua thử nghiệm đánh giá rủi ro sinh thái và tiếp cận dự trữ sinh quyển, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là dịp để tăng cường quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan, để xây dựng năng lực ứng phó trước biến đổi khí hậu cho các khu vực ven biển.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện Dự án Tăng cường sức đề kháng và khả năng phục hồi của các khu dự trữ sinh quyển ven biển Việt Nam, trước biến đổi khí hậu và tai biến môi trường thông qua quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế bền vững, được Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Khoa Sinh thái, Môi trường và Thực vật học, Đại học Stockholm (Thụy Điển) phối hợp triển khai trong giai đoạn 2011- 2013. Trong đó, mục tiêu chính của dự án là nâng cao sức đề kháng và hồi phục trước biến đổi khí hậu và tai biến môi trường của khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, góp phần đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển thông qua tăng cường quản lý tài nguyên biển và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Đánh giá về các đóng góp của hội thảo và dự án trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo sư Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) cho biết: “ERA là một phương pháp luận hiện đại, trí tuệ mà cộng đồng khoa học thế giới đánh giá cao, đang được áp dụng thành công trên thế giới đặc biệt là các nước phát triển. Việt Nam được tiếp cận với phương pháp luận này là cơ hội tuyệt vời để khẳng định vai trò và hình ảnh của mình về mặt trí tuệ và văn hóa trong cộng đồng quốc tế, trong đó cách tiếp cận sinh quyển và sử dụng khu dự trữ sinh quyển làm công cụ thích ứng với biến đổi khí hậu là việc làm cần thiết, cụ thể đáp ứng tiêu chí của UNESCO, MAB và đường lối chỉ đạo của Đảng, thực hiện những ưu tiên quốc gia trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước”.

Ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nêu những điểm mới trong chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học, liên quan tới tính dễ bị tổn thương của đa dạng sinh học và một số hệ sinh thái biển quan trọng của Việt Nam trước biến đổi khí hậu. Bà Cao Lệ Quyên, Viện phó Viện Kinh tế và quy hoạch Thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trình bày một số điểm mới trong Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong mối liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Hiện Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển với hơn 4 triệu ha diện tích có tài nguyên thiên nhiên với đa dạng sinh học phong phú; các hệ sinh thái quan trọng cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho đời sống hơn 1, 4 triệu người. Trong đó có hai khu ven biển là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh sông Hồng và khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, đã được UNESCO công nhận từ năm 2004. /.

Thanh Tuấn (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất