Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 11/4/2013 22:13'(GMT+7)

Góp ý Dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ

Toàn cảnh buổi góp ý

Toàn cảnh buổi góp ý

Ngày 11.4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo là đại diện Lãnh đạo các Sở TN-MT, Công an các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Hà Nội và một số bộ ngành, cơ quan có liên quan.

Thực tế, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn như hành vi vi phạm còn chung chung, mức phạt thấp đối với những hành vi có tính nguy hại cao và mức phạt cao lại áp dụng cho những hành vi thông thường.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn, Bộ TN-MT đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 117 trong đó có lồng ghép nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đa dạng sinh học.

Dự thảo Nghị định có một số điểm mới, tiến bộ khắc phục những hạn chế của Dự thảo cũ như về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đưa ra hai phương án phạt: phạt người chỉ đạo, người tham gia và người trực tiếp vi phạm; phạt người đứng đầu, đại diện theo pháp luật và người phụ trách bảo vệ môi trường của tổ chức nhằm khắc phục những khó khăn xử phạt đối với các cá nhân cùng gây hành vi xả chất thải. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Dự thảo cần bổ sung xử phạt vi phạm đối với trường hợp bất khả kháng. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho hoạt động xử phạt được nhanh chóng, kịp thời cần bổ sung thầm quyền xử phạt của cảnh sát biển, công an giao thông...

Một trong những nội dung mới của Dự thảo là quy định bảo hiểm bồi thường trách nhiệm dân sự cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, cũng nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bởi mức tổn hại cần bồi thường cho người dân nhiều khi vượt quá mức bảo hiểm do đó để bảo đảm cho phù hợp với Điều 13 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, cần bổ sung trách nhiệm của những đối tượng gây thiệt hại.

Đặc biệt, Dự thảo quy định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ phải chịu mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Mức phạt từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đối với các cơ sở đang hoạt động trong khu vực đó. Ngoài ra, đối với hành vi không tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân trong vùng sẽ bị phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng. 

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất