(TG)- Tác động từ những thay đổi trong quan hệ xã
hội khi đất nước phát triển và hội nhập đã dẫn đến việc thực hiện Luật
Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế. Do
vậy, việc hoàn thiện Luật Du lịch mới (Luật Du lịch sửa đổi) sẽ tạo
hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch phát triển.
Ngày 10/11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ các bộ ngành, địa phương liên quan, Luật Du lịch đã đi vào cuộc sống, các quy định về kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành du lịch, từng bước chấn chỉnh, đưa hoạt động kinh doanh du lịch đi vào nề nếp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Các thủ tục hành chính, giải quyết yêu cầu của tổ chức cá nhân trong lĩnh vực du lịch được quy định đầy đủ góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch. Tuy vậy, với sự thay đổi của bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước, rất cần có những quy định mới phù hợp với điều kiện hiện tại và xu hướng tương lai để đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho sự phát triển của Ngành.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự tập trung cho ý kiến về các vấn đề như phát triển du lịch bền vững; phát triển nguồn nhân lực; quy định về hiệp hội; đề xuất chuyển giao chủ trì lập quy hoạch cho chính quyền UBND cấp tỉnh; kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế cần đặt ngang hàng; thuyết minh viên cần đặt ngang hàng với hướng dẫn viên; quy định về quyền và trách nhiệm của khách du lịch; thành lập và quản lý khách sạn; quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; công tác quản lý nhà nước về du lịch trên cơ sở đề cao trách nhiệm của cơ quan địa phương…
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Du lịch được Quốc hội thông qua trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch vào tháng 6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, ngành Du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nâng lên tầm cao mới với sự tăng trưởng về mọi mặt. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng cư dân địa phương về vai trò, vị trí của ngành du lịch được nâng lên; đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030; nhiều khu du lịch quốc gia được hình thành như khu du lịch Mộc Châu (Sơn La), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Công tác quản lý tài nguyên du lịch, khu, tuyến, điểm du lịch được thực hiện đồng bộ, nhiều tài nguyên du lịch đã phát huy tốt giá trị sẵn có và được bảo vệ, nâng cấp theo hướng phát triển bền vững, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển du lịch.
Về kinh doanh du lịch phát triển mạnh mẽ, nếu như cuối năm 2005 cả nước mới chỉ có 428 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thì đến tháng 9/2015 cả nước đã có 1.557 doanh nghiệp được cấp phép, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15%/năm… hiện nay cả nước có trên 10.000 doanh ngiệp lữ hành nội địa. Năm 2005, du lịch Việt Nam đón 3,34 triệu lượt khách quốc tế, 16,1 triệu khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch 30 nghìn tỷ đồng, thì đến cuối năm 2014 tăng lên 7,8 triệu lượt khách quốc tế, 38,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đã vượt 230 nghìn tỷ đồng.
Luật Du lịch được Quốc hội thông qua trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch vào tháng 6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa phương. Cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch là Sở Du lịch trước đây và nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu cho UBND các tỉnh, thành tổ chức nhiều hội nghị triển khai thực hiện Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Du lịch đến chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng cư dân địa phương.
|
|
Số lượng, chất lượng của hệ thống cơ sở lưu trú tăng nhanh chóng, năm 2005 cả nước có khoảng 6.660 cơ sở lưu trú với 145.000 buồng, đến tháng 9/2015 cả nước có 18.700 cơ sở lưu trú với 358.000 buồng (trong đó có 85 khách sạn 5 sao, 209 khách sạn 4 sao, 428 khách sạn 3 sao)…
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến du lịch cũng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào ổn đinh và làm gia tăng lượng khách; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mở rộng thị trường hoạt động, tiếp xúc, hợp tác với các đối tác lớn, chuyên nghiệp trên thế giới; từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch Việt Nam thanh bình, thân thiện, hấp dẫn trong lòng bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến việc thực hiện Luật Du lịch. Bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nhiều cam kết quốc tế. Ở trong nước, tác động từ những thay đổi trong quan hệ xã hội khi đất nước phát triển và hội nhập đã dẫn đến việc thực hiện Luật Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế. Do vậy, việc hoàn thiện Luật Du lịch mới (Luật Du lịch sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch phát triển.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận và nhất trí về một số vấn đề đã được nêu trong Luật Du lịch sửa đổi. Tổng cục Du lịch đã rà soát các quy định Luật Du lịch năm 2005 và tiến hành bổ sung, sửa đổi một số nội dung. Trong đó có một số nội dung mới chưa có trong Luật Du lịch năm 2005 như: Quy định về du lịch bền vững, nguồn nhân lực, quản lí chất lượng dịch vụ du lịch, thống kê du lịch. Trong Luật Du lịch sửa đổi cũng có các quy định về hành vi nghiêm cấm khách du lịch vi phạm quy định sở tại khi đi du lịch nước ngoài; xếp hạng chất lượng vận chuyển; kinh doanh và bảo hiểm lữ hành nội địa; quyền được lựa chọn một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch của khách du lịch… Ngoài ra trong Luật Du lịch sửa đổi cũng có 10 nội dung được sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay, trong đó có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, xúc tiến du lịch, quy hoạch du lịch kinh doanh du lịch, điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, nội dung xúc tiến du lịch…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất Luật Du lịch sửa đổi cần quy định cụ thể, rõ ràng về các vấn đề như: Các tiêu chí về nguồn nhân lực; kiểm soát chất lượng cơ sở lưu trú; vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố; vai trò, trách nhiệm của địa phương trong duy trì an toàn cho du lịch, đảm bảo môi trường du lịch; phát triển du lịch bền vững; cấp thẻ cho hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch; xếp hạng các cơ sở lưu trú...
Trước đó, Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã được tiến hành tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thu Hằng