Ngày 11/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ
Chí Minh phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội
thảo khoa học "Góp ý các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân
trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992."
Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên các trường
đại học, viện nghiên cứu và lãnh đạo Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố
phía Nam.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính
trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Hội thảo này được tổ chức nhằm
tạo thêm một diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa đại diện Ban biên tập Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp với các nhà khoa học, chuyên gia hoạch định chính sách, pháp luật,
các nhà lãnh đạo, quản lý, với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội;
trên cơ sở đó kiến nghị với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp các nội dung liên
quan đến các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992.
Giáo sư, tiến sỹ Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của
Quốc hội, cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong chương II: quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã có sự tương thích với các quy
định của các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 15 Dự thảo: "Quyền con người, quyền công
dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do
quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức sức khỏe cộng đồng" mới
chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc, mà chưa được quy định cụ thể đối với từng quyền,
hạn chế quyền như thế nào? Quyền nào thì bị hạn chế, quyền nào không bị hạn chế?
Có những quyền tuyệt đối không bị hạn chế như quyền sống...
Theo Giáo
sư, tiến sỹ Trần Ngọc Đường, cần nghiên cứu bổ sung hạn chế đối với từng quyền,
thì việc thực hiện vừa hạn chế được sự tùy tiện, lại vừa thuận tiện cho con
người và công dân trong việc thực hiện các quyền.
Tại hội thảo, nhiều
chuyên gia cũng đã đề cập đến khoản 1, Điều 6 với quy định "Quyền công dân không
tách rời nghĩa vụ công dân."
Các nhà khoa học, chuyên gia cũng đã tập
trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề quyền con người, quyền công dân như quy
định liên quan đến các quyền dân sự và chính trị; quy định về các quyền kinh
tế-xã hội và quyền của nhóm dễ bị tổn thương; các thiết chế độc lập, cơ chế giám
sát thực hiện quyền con người, quyền công dân và một số nguyên tắc chung, kinh
nghiệm quốc tế trong vấn đề quyền con người, quyền công dân./.
Hoàng Anh Tuấn
(TTXVN)