Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 12/2/2011 18:13'(GMT+7)

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Người dân là chủ thể bảo tồn giá trị lễ hội

Trong cuộc sống hiện đại, lễ hội càng có vai trò quan trọng, và để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong công tác tổ chức lễ hội, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 162/CĐ-TTg chấn chỉnh hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, GS đánh giá thế nào về vai trò của lễ hội trong đời sống, nhất là giai đoạn hiện nay?

Trước khi có Công điện khẩn nói trên của Thủ tướng Chính phủ, từ những năm trước các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản nhằm “sốc” lại, “chấn chỉnh” lại hoạt động của các lễ hội truyền thống. Người ta  còn cho rằng phải bỏ bớt đi một số lễ hội, bởi hiện nay cả nước có tới gần 8.000 lễ hội thì nhiều quá. Nhưng tôi đã thử hỏi nhiều người, nếu bây giờ bỏ đi hội làng ở địa phương họ có được không, thì ai cũng trả lời là không thể được. Nói như vậy có nghĩa lễ hội truyền thống có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt mỗi loại lễ hội lại có những đặc trưng riêng. Đơn cử như Hội Đền Hùng là lễ hội trở về với cội nguồn, Hội Gióng là lễ hội trở về với chiến công của dân tộc, Hội Chùa Hương là sự trở về đất Phật, với thiên nhiên... Rồi hội làng gắn với sự linh thiêng của Thành Hoàng làng...

Tôi cho rằng, sự phong phú về số lượng lễ hội như hiện nay là điều may mắn, bởi có một thời kỳ dài chúng ta đã vô tình để nó mai một, giờ đây các lễ hội đang được phục hồi. Trong xã hội hiện đại, con người càng cần tới lễ hội vì những lý do sau đây. Thứ nhất, lễ hội là môi trường để người ta trở về với cội nguồn; thứ hai, lễ hội là môi trường tạo nên sự gắn kết và tôn vinh sức mạnh cộng đồng; thứ ba, lễ hội chính là đời sống tâm linh, giúp con người giữ được cân bằng trong cuộc sống; thứ tư, lễ hội là môi trường để con người thể hiện khả năng sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; thứ năm, lễ hội chính là bảo tàng sống về văn hóa, là di sản của cha ông truyền lại cho muôn đời sau.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều lễ hội dân gian đang bị thương mại hóa và ngày càng bị biến tướng, nên theo GS, phải làm gì để lễ hội trở về đúng nghĩa của nó?

Tôi đã từng có nhiều bài viết cảnh báo về những nguy cơ của lễ hội. Theo đó, nguy cơ lớn nhất chính là sự đơn nhất hóa các lễ hội. Thay vì thể hiện bản sắc riêng thì giờ đây lễ hội nào cũng na ná như nhau. Để khắc phục thì phải biết cách tôn trọng sự độc đáo của mỗi lễ hội. Rồi tiếp đó, người ta cũng đang trần tục hóa lễ hội từ A đến Z, thay vì cúng lễ thành tâm thì nay có đủ mọi loại dịch vụ phục vụ mùa lễ hội. Một nguy cơ khác đó là sự thương mại hóa lễ hội, không ít người coi mùa lễ hội là mùa làm ăn nên từ khâu trông xe, bán đồ lễ, đổi tiền lẻ, khấn thuê, viết sớ... những người đi lễ đều bị “hành” và chặt chém. Và một nguy cơ nữa đó là sự hành chính hóa lễ hội, người ta coi các buổi khai mạc lễ hội là cơ hội báo cáo thành tích của các cấp chính quyền, mà lẽ ra những thành tích này chỉ nên đưa ra ở những cuộc họp của chính quyền.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của lễ hội truyền thống. Trên thực tế, những điều kiện thuận lợi để tổ chức lễ hội (như sự tài trợ của doanh nghiệp, sự hảo tâm của các đại gia...) đôi khi lại trở thành nguy cơ làm mất đi bản sắc của lễ hội. Chẳng hạn như khi tài trợ, một doanh nghiệp nào đó đòi đặt lô gô quảng cáo to chình ình trong khuôn viên lễ hội, khiến cho không gian của lễ hội mất đi vẻ linh thiêng, long trọng. Khi tham gia làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, điều thú vị nhất mà nhóm chúng tôi nhận thấy đó là bản sắc của lễ hội này vẫn còn vẹn nguyên. Người dân là chủ thể giúp cho bản sắc của Hội Gióng không bị mai một. Đây cũng là kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống nói chung.

 
 
Hãy để lễ hội là của người dân, và có quan điểm cho rằng một số lộn xộn trong tổ chức và quản lý lễ hội hiện nay xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là các lễ hội đều do chính quyền cấp xã quản lý?

Vậy, giao cho cấp nào quản lý và tổ chức thì bớt lộn xộn hơn? Tôi xin nhấn mạnh, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần tập trung vào việc định hướng và quản lý để lễ hội diễn ra lành mạnh, an toàn. Chính người dân mới là chủ thể của các lễ hội, do đó không ai có thể thay thế họ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.

Cũng cần mở ngoặc nói rõ thế này, việc quản lý thanh tra lễ hội được nhiều địa phương làm rất tốt. Nhưng cũng có một bộ phận những người có trách nhiệm đang lợi dụng lễ hội để mưu lợi. Họ cấm lên đồng, nhưng chỉ cấm với những người không có khoản “lót tay”, chứ không cấm những người biết luồn lách, “bôi trơn” bằng phong bì. Vì vậy để giám sát sự lành mạnh của lễ hội hãy giao cho người dân, giao việc giám sát cho cộng đồng. Họ chính là tai mắt, là người biết rõ lễ hội nào đang bị biến tướng, biết rõ lễ hội nào đang bị lợi dụng để buôn thần bán thánh...

Trên thực tế, năm nào cơ quan chức năng cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lễ hội ở các địa phươn, nhưng dường như các vi phạm cũng không mấy giảm. Cùng với đó, dường như cũng chưa có lãnh đạo địa phương nào bị xử lý mỗi khi có sai phạm trong tổ chức lễ hội được phát hiện? GS có ý kiến gì về vấn đề này?

Không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra góp phần giữ gìn bầu không khí trong lành cho các lễ hội. Nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là nhận thức của ta. Cụ thể ở đây là nhận thức đúng, đầy đủ về tín ngưỡng văn hóa dân gian. Khi nhận thức đúng, tôi tin rằng ta sẽ hành động đúng. Như vậy những sai phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội như chúng ta đề cập quá nhiều thời gian qua cũng sẽ giảm.

Theo Hương Lê (Đaidoanket.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất