Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 4/2/2011 17:9'(GMT+7)

Trăn trở về điện ảnh Việt trước thềm xuân mới

NSND, Đạo diễn Đặng Nhật Minh.

NSND, Đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Năm 2010, là một năm mang đến nhiều may mắn cho đạo diễn tài năng này. Sự kiện ông được Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ tôn vinh vì những cống hiến to lớn đối với nền điện ảnh Việt Nam hồi tháng 11-2010 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm.

Trong căn phòng nhỏ ấm cúng tại trụ sở số 5 phố Phan Chu Trinh, Hà Nội, nơi ông đang làm Tổng biên tập một tờ tạp chí, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

Thời “bao cấp” chính là Nhà nước đã nuôi dưỡng nền điện ảnh

Những năm 70, điện ảnh không có khái niệm giải trí. Vì vậy, khi chạm ngõ bộ môn nghệ thuật thứ 7, NSND Đặng Nhật Minh đã nhận thức rõ về việc làm phim của mình, chủ yếu để khắc họa số phận con người , để hiểu thêm về xã hội mình đang sống, để suy ngẫm điều gì đó mà người làm phim quan tâm.

NSND Đặng Nhật Minh và diễn viên Minh Hương tại LHP Fukuoka Nhật Bản.

Hồi ấy, ngoài những phim nhằm mục đích tuyên truyền, cổ vũ các phong trào trong xã hội thì những phim chạm được đến số phận con người là những phim tồn tại được lâu dài trong lòng khán giả. Điển hình là những phim như “Cánh đồng hoang”, tuy là phim chính trị nhưng khắc họa sâu đậm số phận con người; hoặc như phim “Chị Tư Hậu” với vai chính do diễn viên Trà Giang thể hiện. “Nếu những bộ phim này làm hời hợt, chỉ mang tính chất tuyên truyền chủ trương, chính sách thì chúng cũng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét.

Không thể phủ nhận từ khi điện ảnh bước vào cơ chế thị trường đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng cho đến nay, thế giới biết đến điện ảnh Việt Nam vẫn thông qua những phim do Nhà nước bỏ tiền ra làm dưới thời bao cấp là chủ yếu. Điện ảnh thời bao cấp được ví như một cái cây đã được Nhà nước nuôi dưỡng để cho nhiều quả ngọt. Còn trong cơ chế thị trường hiện nay, ngoài một số rất ít những phim đụng chạm đến số phận con người, còn lại nhiều phim chỉ mang tính giải trí, người xem xong ra khỏi rạp cũng quên luôn. Có một nhà báo viết về điện ảnh đã cho rằng, nền điện ảnh hiện tại chủ yếu phục vụ lứa tuổi teen và con nhà giàu thành thị. Nói về vấn đề này, đạo diễn Đặng Nhật Minh thẳng thắn chia sẻ: “Đành rằng, trong cơ chế hiện nay thì đạo diễn nào cũng muốn phim của mình thu hút nhiều khán giả và phải có lãi, nhưng chúng ta không thể để nền điện ảnh phát triển theo hướng giải trí để chiều theo thị hiếu của khán giả trẻ. May thay, nhà nước vẫn thỉnh thoảng đầu tư nhỏ giọt một số phim không chạy theo khuynh hướng giải trí đó… Chúng ta không thể trách tư nhân làm phim chạy theo thị hiếu khán giả, bởi khi bỏ đồng tiền ra thì những nhà làm phim tư nhân phải tính toán sao cho có lãi mới làm”.

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, làm những phim do Nhà nước tài trợ, người đạo diễn không bị áp lực bởi sự lỗ, lãi …, thỏa sức sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, khi xem phim của ông tuyệt nhiên không bao giờ có những cảnh hở hang, người đẹp chân dài ưỡn ẹo trên màn ảnh để câu khách.

Kể từ khi bước chân vào làng điện ảnh cho đến bây giờ đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, NSND Đặng Nhật Minh vẫn luôn đau đáu với những đề tài phản ánh về thân phận con người. Trong phim của ông luôn có những mảng tối, mảng sáng và thân phận con người luôn là chủ đề xuyên suốt trong những tác phẩm điện ảnh do ông đạo diễn. Phim của Đặng Nhật Minh không tô hồng, cũng không bôi đen hiện thực hay phê phán một cách võ đoán. Phim của ông luôn hướng người xem về những điều thiện, về phía ánh sáng để rồi sau khi xem xong phim, người xem muốn sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn. Đó là mục đích mà người đạo diễn này đã và đang tiếp tục theo đuổi.

Tôi không cho rằng cách làm phim của tôi là duy nhất đúng; mỗi người có một cách tiếp cận với điện ảnh khác nhau. Tôi cũng không phê phán ai, tôi chỉ biết theo đuổi việc tôi làm và đi đến cùng với hướng đi mà mình đã chọn”, đạo diễn Đặng Nhật Minh bộc bạch.

Điện ảnh nước nhà muốn hội nhập với thế giới phải có những tác phẩm đậm chất Việt

Xem phim của Đặng Nhật Minh, khán giả luôn có cảm giác ông là người đi trước thời đại, đưa vào tác phẩm của mình những vấn đề xã hội đang và sẽ quan tâm đến. Điển hình là bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10”, những cảnh lễ hội âm dương trong bộ phim mang đến cho người xem một sự trải nghiệm thú vị. Thời điểm bộ phim vừa hoàn thành cũng là lúc cả xã hội lên án và chống lại hiện tượng mê tín dị đoan. Vậy mà khi xây dựng bộ phim này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã mạnh dạn đưa vào phim những cảnh quay về lễ hội âm dương với mục đích phản ánh nét sinh hoạt văn hóa dân gian của người Việt. Nhưng thật không may, khi bộ phim hoàn thành đã bị cơ quan chức năng “thổi còi” và yêu cầu cắt những cảnh quay này. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã bảo vệ đến cùng tác phẩm điện ảnh mà mình tâm huyết và bỏ bao công sức xây dựng, kiên quyết không để bộ phim này bị cắt “què cụt”. Sau khi công chiếu rộng rãi ở trong nước cũng như trên thế giới thì cảnh quay tại lễ hội âm dương trong phim đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong khi quay phim "Đừng đốt".

Thành công của bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” ở chỗ phim nói về chiến tranh nhưng lại phản ánh khía cạnh tác động trực tiếp vào cuộc sống của người dân. Có một câu chuyện thú vị xảy ra khi bộ phim trình chiếu tại TP Hồ Chí Minh được đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ: “Trong một đợt tuyển quân ở TP Hồ Chí Minh, có anh cán bộ phụ trách văn hoá một quận đến nhờ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn giới thiệu cho một bộ phim mới về chiếu phục vụ bà con và chiến sỹ trước khi lên đường nhập ngũ. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã giới thiệu bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10. Chiếu xong phim, anh cán bộ hoảng quá vì phim nói về sự hy sinh của người lính, sợ rằng ngày hôm sau sẽ chẳng ai dám nhập ngũ bởi ai cũng nghĩ rằng chiến tranh khốc liệt quá và ra đi thì không có ngày trở về. Nhưng đến hôm sau, ngày tập trung quân, 100% tân binh đều có mặt đầy đủ sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Nhiều gia đình đưa con đến địa điểm tập trung đã nói, chính vì được xem bộ phim mà họ đã động viên con cái lên đường làm nghĩa vụ với Tổ quốc. Cuộc tuyển quân năm ấy ở địa phương này không thiếu một ai”.

Đến bây giờ bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” vẫn đang được chiếu rộng rãi ở nhiều trường đại học của châu Âu, châu Mỹ. Các sinh viên nước ngoài coi bộ phim này như một tài liệu giáo khoa khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Một Giáo sư của trường Đại học Hawaii khi gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh đã kể rằng, ông đã chiếu bộ phim này hơn 100 lần cho các sinh viên xem và mỗi lần xem phim, vị Giáo sư này lại phát hiện ra một chi tiết mới. Như vậy, có thể khẳng định một điều rằng, trong phim “Bao giờ cho đến tháng 10” chứa đựng những yếu tố văn hóa tâm linh của người Việt nên phải xem đi xem lại nhiều lần mới hiểu hết giá trị của tác phẩm điện ảnh này. “Bao giờ cho đến tháng 10” là bộ phim Việt Nam đầu tiên được chiếu tại Mỹ sau năm 1975. Tuy không được phát hành chính thức nhưng hầu hết các trường Đại học của Mỹ đều chiếu bộ phim này.

“Bao giờ cho đến tháng 10” được công chúng thế giới yêu thích bởi họ nhận ra trong phim này 100% chất Việt Nam. Một tác phẩm điện ảnh được thế giới đón nhận thì phải có nét độc đáo riêng chứ không thể lai căng, bắt chước, cóp nhặt của người khác. Những phim mang đậm chất Việt bao nhiêu thì càng đến được với thế giới bấy nhiêu.

“Khán giả như một cô gái đẹp mà tôi cần phải chinh phục”

Tôi nghĩ mỗi bộ phim là thông điệp của cá nhân tác giả gửi đến người xem. Vì vậy, thông điệp đó phải mang tính chất cá nhân. Tôi quan niệm khán giả như một cô gái đẹp mà tôi cần phải chinh phục nên dù có vụng về thì tôi cố gắng hết sức đem trái tim mình ra để chinh phục. Công chúng sẽ cảm động với tình cảm chân thành mà tác giả đã gây dựng nên. Với tôi đã làm phim thì phải khiến người xem xúc động dù đó là phim thể lọai gì, hài hay phim đơn thuần mang tính giải trí. Một bộ phim hay là phim khi xem xong khán giả phải suy nghĩ về cuộc đời, về con người xung quanh, về cái thiện, cái ác trong xã hội để rút tỉa ra điều gi đó cho mình”, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Với những cống hiến cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Nhật Minh đã được Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ tôn vinh. Ông cũng là nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở kinh đô điện ảnh thế giới. Niềm vinh dự này là một món quà bất ngờ đối với người đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam. “Tôi cho rằng họ chọn tôi căn cứ vào những phim tôi đã làm từ trước đến nay. Tôi hoàn toàn bất ngờ và cũng không biết họ dựa trên tiêu chí nào và bình xét ra sao. Đọc bản tin của Thông tấn xã Việt Nam mới biết họ gọi tôi là “đạo diễn huyền thoại” của điện ảnh Việt Nam. Thú thật tôi rất ngượng khi được gọi như vậy nhưng đây là sự đánh giá của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, một tổ chức rất uy tín trong lĩnh vực điện ảnh”, đạo diễn Đặng Nhật Minh bộc bạch.

Qua sự vinh danh này, chúng ta nhận ra một điều rằng, điện ảnh Việt Nam vẫn đang được thế giới dõi theo từng bước. Một nền điện ảnh Mỹ đồ sộ, mỗi năm sản xuất từ 800 đến 1000 phim nhưng vẫn quan tâm đến một nước có nền điện ảnh đang phát triển như Việt Nam./.

(Theo: Khánh Huyền/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất