Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 6/2/2011 14:39'(GMT+7)

Tết ở Huế xưa và nay...

 

Tất nhiên Tết là dịp đoàn tụ và mọi thành viên trong gia đình mong chờ đoàn tụ. Nhưng hãy tưởng tượng vào những ngày cuối năm, với tư cách con cái của người coi sóc cơ ngơi dòng tộc, bạn phải tham gia dọn phòng, sắp xếp giường-chiếu-nệm-gối-chăn-bàn-ghế... tất tật cho gần mười phòng để đón khoảng ba chục con người từ các tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài về ăn Tết, thì sao nào?

Những dãy phòng ấy ngoài mấy dịp giỗ lớn và Tết thì quanh năm cửa đóng then cài hoang lạnh. Toát mồ hôi dọn dẹp không khổ bằng phải ngửi mùi đồ cũ kỹ sau mùa đông ẩm. Đâu phải thiếu tiền thuê nhân công, nhưng cấm có được nhờ vả "người ngoài" làm chuyện này, vì thế mới... "ý nghĩa"! Đâu phải thiếu tiền thuê khách sạn, nhưng cấm có được "ở ngoài" khi về nhà ăn Tết, vì thế mới... "ý nghĩa"! Trong "điều luật" như vậy, hãy tưởng tượng nỗi lúng túng của ông chú tôi - người dắt vợ "đầm" bên Tây về nhà ăn "Tết ta".

Về "phủ" ăn Tết vui thiệt, nhưng bọn nhóc cùng lứa với tôi có nhiều đứa vốn sống những nơi ở ngoài Huế thường nơm nớp khổ sở vì các thứ lễ nghĩa chằng chịt ở đây. Ngay cha mẹ của chúng nếu không muốn bị "quở" thường phải mở khóa cấp tốc ôn luyện "giọng Huế" cho chúng trước khi chúng ra mắt ông bà, chú bác ở nhà. Giận lắm thói ăn nói "mất gốc". Không chỉ giữ giọng nói mà còn phải giữ cách nói riêng của "gia đình mình". Mở miệng nói ông ơi cho cháu đi chơi lăng Minh Mạng nhé thì coi chừng bị phạt ở nhà trong khi cả đại gia đình lên ô tô "du xuân". Phải nói là "viếng lăng Thánh tổ". Trong câu chuyện nếu có nhắc nhở tới vua Nguyễn thì phải nói "đức ngài", kiểu nói của "người trong nhà".

Ăn cũng "khó" như nói ở những gia đình như thế. Bởi theo họ cách ăn cũng thể hiện phần nào tính cách của con người. Những chàng trai, cô gái "người ngoài" ngấp nghé trở thành "người nhà" coi chừng bị "trắc nghiệm" khi được gia đình của người yêu thuộc con nhà "gia giáo" ở Huế mời đến ăn cơm chung. Chẳng hạn người ta cố tình đặt trước mặt "đối tượng" một đôi đũa tráo đầu đuôi. Nếu "đối tượng" cứ thế cầm đũa ngược mà ăn trước những đôi mắt soi xét lặng lẽ kia thì e không đạt "chuẩn" để bước hẳn vào ngôi nhà đó.

Nhưng trong thực tế đã có trường hợp ngoại lệ thú vị. Ở một gia đình, sau bữa cơm và sau khi anh con trai trong nhà đưa bạn gái về, bà mẹ chê cô này "ăn đũa lộn đầu", sẽ là đứa con dâu ngược ngạo, không biết đầu biết đuôi, không phân biệt kẻ trên người dưới trong nhà... thì ông nội của chàng trai - người có quyền nhất trong nhà - hắng giọng "phán": Nó làm dâu được đó, nó thương thằng nhỏ, nó biết sợ nhà mình, nó lúng ta lúng túng không còn biết đũa trên tay xuôi hay ngược! Tất nhiên sau "bình luận" phản đề của ông cụ, cả nhà cấm có bàn ra tán vào. Và cũng may, cô gái "ăn đũa lộn đầu" về sau đã chứng minh tiên cảm của ông cụ hoàn toàn đúng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ngày giáp Tết không chỉ có chuyện vui chơi, ngay với bọn trẻ con. Đứa nào tập tò biết viết phải tham gia "biên soạn" và "ấn hành" gia phả. Đơn giản lắm mà cũng nhiều khê trường kỳ lắm đối với tuổi thơ: Một cuốn gia phải cũ được tách ra từng chương, mỗi đứa được phát cho một, hai chương chừng ba chục trang. Chép, nộp! Tất cả được chép ra trên cùng một loại giấy manh, một loại bút mực.

Tết năm này vài chương, Tết năm sau vài chương, cho đến hết thì được đóng thành tập, có ghi tên đứa nào chép, xếp vào tủ kính đặt trong thư viện gia đình. Về "phủ" sau mấy chục năm biến động xa cách, nhiều đứa nay tóc đã hoa râm, không khỏi bùi ngùi khi mở cuốn gia phả tự mình nắn nót chép (bởi viết cẩu thả bị bắt viết lại ngay) bằng những nét chữ từ non nớt rồi cứng cáp dần theo tuổi. Ký ức gia đình-dòng tộc chuyển hóa thành ký ức cá nhân một phần nhờ vào việc tưởng chừng như "tra tấn cuối năm" ấy.

... Gần 70 năm trôi qua, một gia đình Huế còn giữ một đôi giày da da hai màu trắng-huyết dụ, đặt dưới bàn thờ của chủ nhân nó, cũng là bậc trưởng thượng trong nhà. Đôi giày da Thụy Sỹ ấy được giữ gìn không vì giá trị bản thân mà vì giá trị "gia huấn". Chủ nhân đôi giày là người sành điệu, từ thanh niên cho đến hết đời chỉ mang mỗi kiểu giày như thế, đôi mới được đóng y chang đôi cũ. Vào dịp Tết, ông cụ giao đôi giày cũ cho anh con trai từ Pháp về, bảo mang sang Paris làm mẫu, cho thợ Tây đóng đôi mới bằng da Thụy Sỹ. Anh này đã quẳng "hàng mẫu" dưới gầm giường một khách sạn ở Sài Gòn vì tin rằng mình đã "thuộc lòng" kiểu giày của ba.

Tết năm sau, anh mang giày mới về. Ông cụ khen đúng là da Thụy Sỹ hạng nhất, nhưng không mang. Hỏi vì sao thì ông bảo tại thợ giày Tây đóng không đúng mẫu ông đưa. Rồi ông quẳng đôi giày đắt tiền mới cứng cho một người giúp việc. Sau mấy ngày đoàn tụ, khi tiễn anh con trai đi Pháp, ông mới hỏi: Giày cũ của ba con còn cất bên đó không? Anh này nói dối là còn. Ông cụ bảo vậy cho thợ Tây đóng lại đôi khác, phải chính xác như đôi giày cũ đã đưa sang. Chuyện này bị lặp lại vào năm sau, rồi năm sau nữa, cho đến khi anh con trai phải nói thật. Khi ấy, ông cụ mới chịu mang giày mới. Để dạy anh con trai  tiến sĩ 30 tuổi nói thật phải mất tới ba năm. Và người con này đã đặt đôi giày "trần ai" ấy dưới gầm bàn thờ của cha như một nhắc nhở chính mình và con cháu về tính thật.

Giáp Tết cũng là dịp "chạm" vào lịch sử nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, từ lịch sử gia đình đến lịch sử quốc gia. Trên bàn thờ và trong tủ thờ của một số gia đình Huế, cũng như Hà Nội, vẫn còn những di vật thuộc gia đình-dòng tộc được lưu giữ cẩn trọng từ đời này sang đời khác. Ngoài giá trị chất liệu như vàng, ngọc còn là giá trị lịch sử-xã hội như ấn triện, thẻ bài, bội tinh, sắc phong, kiếm lệnh vua ban...

Có cả những thứ rất riêng, dường như chẳng có giá trị gì trong mắt người dưng, như có gia đình giữ một bàn cờ tướng với những quân cờ đang chơi nửa chừng thì dừng lại vĩnh viễn vì người chơi cờ, lại là chơi cờ một mình, đột tử. Những quân cờ được gia đình cho gắn vào vị trí "sống" lúc ấy trên bàn cờ, đặt giữa bàn thờ chủ nhân. Người khi "phe" này lúc "phe" nọ trên bàn cờ nguyên là một đại thần của hoàng đế cuối cùng - Bảo Đại.

Những mẩu chuyện vụn vặt về cái Tết một thời cũng là món "đặc sản" cho cái Tết ngày này. Và trong cái Tết ngày này rồi sẽ để lại những mẩu chuyện không thể nào xảy ra trong cái Tết ngày sau và cũng không thể nào quên. Cuộc sống chuyển tiếp khôn cùng cứ như những lớp sóng trên con sông thời gian không giới hạn.

Theo Vĩnh Duyên/Báo Lao động Xuân 2011

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất