Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan cũng là nữ giáo sư duy nhất là Ủy
viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản
nhiệm kỳ 2014-2019; là một trong ba giáo sư của Trường Đại học Thái
Nguyên được mời vào Hội đồng chức danh Giáo sư Quốc gia. Chị đang tham
gia đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học tại Khoa Chăn
nuôi thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.
Gần 40 năm công tác tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chị đã biên
soạn 16 giáo trình, sách chuyên khảo và sách tham khảo cho đào tạo bậc
đại học và sau đại học; hướng dẫn gần 400 khóa luận tốt nghiệp đại học,
36 luận văn thạc sỹ, 13 luận án tiến sỹ; là chủ nhiệm 14 đề tài, trong
đó có một đề tài cấp nhà nước, bốn đề tài cấp Bộ; có 81 bài báo đăng
trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế...
Với niềm đam mê nghề nghiệp, chị không quản ngại khó khăn xuống tận các
làng bản, ăn ở cùng dân, giúp dân chữa bệnh cho các đàn gia súc, gia
cầm. Các nghiên cứu khoa học của giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan đều
có tính ứng dụng cao. Tiêu biểu có thể kể đến đề tài khoa học cấp Nhà
nước (thuộc chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ
sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm
2020) “Nghiên cứu sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp phục vụ chế tạo các
bộ Kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng Trypanosoma spp. trên gia súc ở
Việt Nam." Đề tài được thực hiện từ năm 2012 đến 2014, được nghiệm thu
tháng 12/2014.
Chị và các đồng sự đã kết hợp với chi cục thú y sáu tỉnh (Thái Nguyên,
Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu, Khánh Hòa và Tây Ninh) tổ chức triển khai
lấy mẫu máu một số loài gia súc trên địa bàn các tỉnh, phân lâp được các
chủng tiên mao trùng ký sinh và gây bệnh ký sinh trùng đường máu ở
trâu, bò, ngựa, dê, lợn.
Bằng phương pháp sinh học phân tử và ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu
do giáo sư Lan làm chủ nhiệm đã nghiên cứu ra các bộ Kit chẩn đoán
nhanh, chính xác đến 98% bệnh tiên mao trùng (Trypanosoma spp) trên gia
súc (là loại bệnh nhiễm ký sinh trùng đường máu phổ biến ở trâu, bò, gia
súc với tỷ lệ nhiễm 30-60% tùy theo tỉnh - gây thiếu máu, thiếu dinh
dưỡng nên khi trời lạnh gia súc dễ bị ngã nước chết) và đưa ra phác đồ
điều trị phù hợp, an toàn 100% với gia súc, giúp điều trị bệnh đạt kết
quả tốt.
Một trong những đề tài khác được đánh giá cao là đề tài nghiên cứu khoa
học cấp Bộ “Nghiên cứu tình hình nhiễm giun, sán đường tiêu hóa ở dê cỏ
tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và biện pháp phòng trị” được
thực hiện từ 2003-2007. Đề tài đã xác định được đặc điểm dịch tễ của các
bệnh giun, sán trên các đàn dê địa phương của các tỉnh Thái Nguyên, Cao
Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang; xác định được phương trình hồi quy để tính
ra số giun, sán ký sinh trên dê; xây dựng được quy trình phòng chống
bệnh giun, sán cho đàn dê của các tỉnh.
Quy trình đã được các địa phương ứng dụng rộng rãi (85% số hộ chăn nuôi
dê ở các tỉnh áp dụng), có tác dụng làm giảm rõ rệt tỷ lệ nhiễm bệnh ký
sinh trùng (giảm 45% so với đối chứng), từ đó đàn dê béo khỏe, mang lại
hiệu quả chăn nuôi cao cho các hộ chăn nuôi dê (thu nhập từ chăn nuôi dê
của các hộ tăng khoảng 15-20% so với trước khi áp dụng quy trình). Hiện
nay, các kết quả của đề tài vẫn đang được các địa phương miền núi ứng
dụng có kết quả tốt...
Đóng góp vào những thành công của chị phải kể đến sự ủng hộ của người
bạn đời luôn sát cánh cùng chị vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Anh cũng là người đồng nghiệp cùng làm việc với chị ở Trường Đại học
Nông Lâm Thái Nguyên. Bên cạnh công tác nghiên cứu, giảng dạy, chị luôn
dành thời gian chăm lo gia đình, nuôi dạy con ngoan, học giỏi. Hai con
trai chị đều nối nghiệp giáo viên của cha mẹ. Một người học tiến sỹ ở
Nhật Bản, một người học ở Hàn Quốc.
Với thành tích trong công tác, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan đã
được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú; Huân chương lao động hạng Ba;
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.
Theo TTXVN