Trong dịp tổng kết 5 năm hoạt động của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trao đổi về mô hình hoạt động của Viện và vấn đề thu hút nhân tài về Việt Nam. Ông cho biết, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã thực hiện được mục tiêu biến thành đơn vị hoạt động theo chuẩn quốc tế và lôi cuốn được rất nhiều nhà toán học trong và ngoài nước.
Thưa GS, ông có thể cho biết thêm những thành tựu có được từ mô hình Viện Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán?
GS. Lê Tuấn Hoa: Lúc đầu dự định thành lập Viện thì có một số lo ngại là sẽ không hấp dẫn, các nhà khoa học đến một thời gian rồi sẽ lại không thích đến nữa. Nhưng báo cáo cho thấy số người có mong muốn đến Viện để nghiên cứu và làm việc ngày càng cao. Lúc đầu lấy khoảng 50% số người đăng ký, nhưng khi hoạt động của Viện đi vào ổn định thì tỷ lệ khoảng 6 người đăng ký có một người được tuyển chọn. Cũng có những nhà khoa học từ các nước xung quanh như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan ... xin đến nhưng vì mức tài trợ của mình chưa hấp dẫn như các nước tiên tiến nên những người đăng ký chưa phải người giỏi nhất. Rất tiếc là họ chưa phải người giỏi nhất nên họ không cạnh tranh được với những ứng viên nổi tiếng của VN.
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa
Việc tuyển chọn ứng viên tăng dần tính cạnh tranh qua các năm. Theo số liệu của Viện đưa ra, năm 2013, trong 614 ứng viên có 350 người được chọn (Tỷ lệ được chọn là 0,57) thì đến 2015, con số ứng viên là 1184 người, số được chọn là 282 (Tỷ lệ được chọn là gần 2,4).
Được thành lập cuối năm 2010 nhưng Viện đi vào hoạt động rất nhanh và có uy tín trên thế giới. Các nhà toán học Châu Âu khi đến đã thấy rất giống các mô hình ở nước ngoài với các chương trình khoa học phong phú, chất lượng cao, hiệu quả và cách tổ chức năng động, chuyên nghiệp. Tháng 5-2013, Hội Toán học Châu Âu công nhận Viện là một “Trung tâm xuất sắc khu vực đang phát triển – Emerging Regional Centres of Excellent” giai đoạn 2013-2017.
Các nhà Toán học trẻ, giảng viên Toán, đội ngũ làm nghiên cứu khoa học… đã được tạo điều kiện như thế nào từ sự phát triển của Viện, thưa ông?
GS. Lê Tuấn Hoa:Chúng tôi đã tạo nên được nguồn lực cho các học sinh phổ thông cũng như sinh viên. Các nhà toán học trẻ bắt đầu có đam mê, định hướng, bắt đầu hình thành, không khí, xây dựng những nhóm nghiên cứu lớn hơn và những công trình Toán học chất lượng tốt hơn.
Nhân đây, tôi cũng nói chúng ta hay thảo luận nhân tài “biến” đi đâu. Thực ra rất nhiều bạn trẻ có những công trình rất xuất sắc đã về nước nhưng vốn là những nhà khoa học nên người ta rất khiêm tốn, không muốn nêu ra. Như vậy là có một số chọn ở nước ngoài thuận lợi hơn nhưng cũng có một bộ phận đang trở về.
Ví dụ Viện Toán học có giải thưởng của Viện cứ hai năm trao một lần, vừa rồi trao cho một nhà khoa học trẻ, anh đang về nước khoảng hai năm nay hiện đang công tác ở TP Hồ chí Minh. Anh đã có công trình đăng trên một trong hai tạp chí đầu ngành của thế giới. Đó là điều vô cùng hiếm ở Việt Nam VN. Trong nước, người đầu tiên được trao giải là GS. Nguyễn Hữu Anh, cách đây mấy chục năm rồi. Lúc ấy GS đang công tác ở Viện Nghiên cứu cao cấp của Princeton cũng về nước.
Những người như thế, nhưng chúng tôi không gọi là nhân tài mà là những người giỏi, đang háo hức về nước. Nhiều GS tuy không về nước làm việc nhưng đã đóng góp cho sự phát triển của Toán học qua các hoạt động của Viện.
Với phương thức và mô hình hoạt động mô phỏng theo mô hình các viện nghiên cứu cao cấp trên thế giới với rất ít biên chế cố định, chủ yếu là khách mời nghiên cứu theo thời hạn,Viện đã phát huy hiệu quả như thế nào?
Đấy là chủ trương ban đầu khi thành lập viện mà lúc đầu một số người còn nghi ngờ nhưng bây giờ thì rất rõ. Các GS không nhất thiết phải về hẳn, về một năm có thể lại phí phạm mà có thể về một hai tháng, thường xuyên một hai tuần. Ví dụ như GS Ngô Bảo Châu là Giám đốc Khoa học thì không nói, nhưng GS. Vũ Hà Văn từ khi thành lập viện năm nào cũng về. Có năm thì hai tuần, năm thì ba tuần và năm nào về cũng giảng bài. GS. Vũ Hà Văn là trên thế giới được đánh giá vào hàng ngũ những người xuất sắc, cộng sự của những người đoạt giải thưởng lớn, ngôi sao sáng của nền Toán học thế giới. Nhiều GS khác như Phạm Hữu Tiệp, Hồ Tú Bảo… năm nào cũng về.
Chúng tôi rất hy vọng những người trẻ trong tương lai như anh Lê Hùng Việt Bảo thì năm nào cũng về, và lần nào cũng về bằng tiền túi của mình để đến Viện Toán làm việc. Họ đã tạo ra một không khí làm việc tích cực. Kể cả không về, trong thời gian ở nước ngoài vẫn chú ý đến sự phát triển của Toán học, trao đổi và sau này tiếp nhận học trò. Đó là những cái quý giá không thể nào đánh giá hết được.
Trong những năm tới, cần phải có thêm những hỗ trợ gì để Viện tiếp tục hoạt động hiệu quả, tiếp tục tạo ra môi trường học thuật quốc tế tại Việt Nam, thưa ông?
GS. Lê Tuấn Hoa:Có rất nhiều mục tiêu Viện mong muốn nhưng trước mắt trong hai ba năm tới là trụ sở. Đây là nơi làm việc và ngoài ra còn là nơi buổi tối các nhà khoa học có thể ở gần nhau. Đó là điều cần thiết nhất và sau quá trình như vậy thì sau năm năm tới hy vọng xây dựng được Toán học như ngành khoa học mũi nhọn tại Việt Nam.
Còn điều kiện để xây dựng ở khắp nơi trên Việt Nam chỗ nào cũng có môi trường để làm Toán học thì rõ ràng khó khả thi nhưng bắt đầu từ một chỗ là Viện, thì các nhà khoa học, các thầy cô ở các trường có dịp về một, hai tháng gặp gỡ với những nhà Toán học đầu ngành trên thế giới thì đó là điều tạo ra môi trường quốc tế.
GS. có nhận xét gì về ý kiến cho rằng chúng ta đang chảy máu chất xám khi các nhà khoa học trẻ không trở về nước mà lựa chọn sống và làm việc ở nước ngoài?
GS. Lê Tuấn Hoa:Chúng ta đưa nhận xét nhưng không có số liệu, không có thống kê cụ thể. Để trở thành nhà khoa học hay nhà kinh doanh thành danh thì một người đạt được những thành tích tốt trong phổ thông thì sau khi học đại học, nghiên cứu, làm kinh doanh tiếp phải15 năm sau mới đánh giá người ta và mới đặt vấn đề đang ở đâu. Còn khi các em đang đi học hay làm tạm ở đâu đấy hoặc đang đi nghiên cứu mà nói là biến mất thì hoàn toàn không chính xác. Thứ hai là những người làm việc thực sự tốt thì người ta có thể là lẳng lặng làm việc không muốn đánh bóng tên tuổi, và chúng ta tìm hiểu thông tin không phải là dễ. Như vậy một vài hiện tượng nêu lên không phải bản chất, nếu không thì nền khoa học của húng ta không thể khởi sắc như thời gian gần đây.
Thành lập từ tháng 12-2010 và chính thức đi vào hoạt động khoa học từ tháng 1-2012, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (khi đó) ký quyết định thành lập, được coi như giải pháp trung tâm, hạt nhân cho việc vận hành Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010- 2020.
Mô hình hoạt động của Viện được mô phỏng theo mô hình các viện nghiên cứu cao cấp trên thế giới như Max-Planck, IAS Princeton…Viện có rất ít biên chế cố định, cán bộ chủ yếu là khách mời nghiên cứu có thời hạn từ 2-12 tháng.
Hội đồng khoa học có nhiệm kỳ 3 năm gồm 14 thành viên là các giáo sư hàng đầu ngành Toán học Việt Nam và một số nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Ban Tư vấn quốc tế gồm 6 thành viên đều là các giáo sư uy tín từ các viện/trường tiên tiến hoặc thuộc các nước phát triển.
Hầu hết các nghiên cứu viên được tuyển chọn đến Viện làm việc đều theo nhóm nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu trong nước khi đến Viện làm việc theo chế độ biệt phái tức là dành 100% thời gian làm việc tại Viện. Để tăng cường hoạt động chuyên môn, các nghiên cứu viên có thể mời thêm khách, mà chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, đến để phối hợp các hoạt động học thuật.
Trong 4 năm kể từ khi thành lập, Viện đã quy tụ được nhiều nhà khao học nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học Toán, Công nghệ thông tin và Cơ học, đang làm việc trong nước và nước ngoài đến tham gia nghiên cứu và các hoạt động học thuật tại Viện. Đã có 58 nhóm nghiên cứu và 50 lượt cá nhân với tổng số 393 lượt cán bộ nghiên cứu và khách mời (đặc biệt có 2 nhóm làm về ứng dụng Toán học trong Công nghệ thông tin) có 150 người nước ngoài đến từ 18 nước và 47 nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đến Viện làm việc.
|