Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ngày 25/5, trước thông tin về việc nông dân ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sử dụng Aldicarb - một loại thuốc trừ sâu cực độc trong sản xuất gừng, Cục An toàn thực phẩm và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã họp để đánh giá kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm gừng Trung Quốc hiện có tại Việt Nam.
Hai cục đều thống nhất nhận định nguy cơ mất an toàn thực phẩm của gừng Trung Quốc hiện có trên thị trường Việt Nam là không cao.
Theo kết quả kiểm tra các mẫu gừng trên thị trường cho thấy: Chỉ có 1,8% số mẫu được kiểm tra chứa dư lượng aldicarb (là một trong những hoạt chất thuốc trừ sâu độc hại nhất trong các loại hoạt chất diệt côn trùng) vượt mức cho phép; 98,2% số mẫu gừng được kiểm tra là an toàn đối với hoạt chất aldicarb; dư lượng aldicarb thực tế phát hiện thấy trong mẫu gừng vượt mức cho phép của EU và Nhật Bản không nhiều ( 0,06ppm so với 0,05ppm).
Các nước phát triển (EU, Nhật, Australia…) khuyến cáo lượng hấp thụ chấp nhận được của aldicarb đối với người là 0,001- 0,003 mg/kg/ngày. Một người nặng 50 kg thì lượng hấp thụ chấp nhận được đối với aldicarb là 0,05-0,15 mg/ngày. Như vậy, đối với mẫu gừng chứa dư lượng aldicarb là 0,06 ppm (0,06 mg/kg) thì với một người nặng 50 kg có thể ăn 0,83-2,5 kg gừng vẫn có thể chấp nhận được. Ở Việt Nam, hầu như không có ai ăn trên 0,8 kg gừng mỗi ngày.
Tại Việt Nam, hiện không có thuốc bảo vệ thực vật nào chứa hoạt chất aldicarb và theo quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện hành thì hoạt chất này không được phép đăng ký, sử dụng ở Việt Nam do có độ độc cao. Công ước Rotterdam mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên đã đưa aldicarb vào danh sách các thuốc bảo vệ thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt từ tháng 10/2011.
Tuy nhiên, hiện nay ở một số nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, aldicarb vẫn còn được phép sử dụng hạn chế trên một số cây trồng với sự kiểm soát nghiêm ngặt. Các nước này đã đưa ra lộ trình hạn chế dần và sẽ ngừng hẳn việc sử dụng aldicarb trong những năm tới.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, gừng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn, Lào Cai và qua cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Gừng và các loại nông sản nguồn gốc thực vật từ Trung Quốc vào Việt Nam không phải nộp thuế, vì vậy chủ yếu được nhập khẩu theo chính ngạch. Từ đầu năm 2013 đến đầu tháng 5/2013 có khoảng trên 800 tấn gừng được nhập vào Việt Nam.
Từ tháng Năm đến cuối năm, gừng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam thường nhiều hơn. Hiện nay, tất cả các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật từ nước ngoài nhập vào Việt Nam, trong đó có gừng đang được các đơn vị kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra thường xuyên và cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu, bến cảng, nếu lô hàng đáp ứng quy định tại Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT.
Cục Bảo vệ thực vật đã bổ sung aldicarb vào danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm đối với gừng và các loại củ nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và cung cấp thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm và Cục Bảo vệ thực vật sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu, trong đó có gừng và các loại rau, quả, củ…. Đặc biệt, sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hiệu quả trong việc xử lý các sự cố an toàn thực phẩm để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến người tiêu dùng
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành lấy mẫu để kiểm tra an toàn thực phẩm của 5 mẫu gừng Trung Quốc hiện có tại Việt Nam (khác với các mẫu gừng mà Cục Bảo vệ thực vật đã phân tích). Kết quả cho thấy tất cả 5/5 mẫu gừng được kiểm tra đều không có dư lượng aldicarb.
Cùng thời gian đó, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại tất cả các cửa khẩu, bến cảng rà soát, báo cáo tình hình nhập khẩu gừng và tăng cường kiểm tra gừng nhập khẩu vào Việt Nam đồng thời, Cục đã tiến hành lấy mẫu gừng Trung Quốc hiện có tại 10 chợ lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để kiểm tra an toàn thực phẩm.
Kết quả phát hiện thấy một mẫu gừng trên tổng số 50 mẫu gừng được kiểm tra có dư lượng aldicarb 0,06ppm, cao hơn so với quy định của Codex (0,02ppm), EU và Nhật Bản (0,05ppm). Mẫu gừng này được lấy tại chợ Bình Điền, Thành phố Hồ Chí Minh./.
TTX