Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 17/1/2018 7:48'(GMT+7)

Hà Giang công bố hàng loạt vi phạm của các nhà máy thủy điện nhỏ

Nhà máy thủy điện Sông Miện 6 đã vận hành phát điện nhưng vẫn chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo quy định. (Ảnh: Vietnam+)

Nhà máy thủy điện Sông Miện 6 đã vận hành phát điện nhưng vẫn chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo quy định. (Ảnh: Vietnam+)

Nhiều vi phạm của thủy điện nhỏ

Một trong những nhà máy thủy điện nhỏ được nhắc đầu tiên trong thông báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang là Nhà máy thủy điện Bắc Mê (công suất lắp máy 45MW), với hàng loạt sai phạm. Đây cũng là thủy điện vừa gây ra vụ xả nước bất ngờ làm sạt lở nhiều nhà dân và quốc lộ 34 vào ngày 31/12 vừa qua.

Theo thông báo, trong quá trình xây dựng, vận hành Nhà máy thủy điện Bắc Mê, Tổng Công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex vẫn còn một số tồn tại như: Không có giấy phép xây dựng; đã tích nước vận hành phát điện thương mại nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Dự án thủy điện Bắc Mê cũng chưa có hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án; công trình đường dây 220kV đã đưa vào vận hành nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế.

Ngoài ra, thủy điện Bắc Mê đã tích nước vận hành phát điện nhưng chưa được cơ quan chuyên môn kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình; chưa thực hiện việc nghiệm thu và bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương theo quy định.

Tiếp đó là Thủy điện Sông Lô 4, trong quá trình vận hành nhà máy, Công ty cổ phần thủy điện Sông Lô 4 vẫn chưa thực hiện việc cấm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định; giấy phép hoạt động điện lực chưa được cấp nhưng nhà máy đã phát điện; hồ chứa thủy điện đã tích nước nhưng chưa quy trình vận hành hồ chứa chưa được Bộ Công Thương phê duyệt.

Tương tự, trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện Sông Miện 6, Công ty cổ phần Sông Miện 6 vẫn chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo quy định. Công ty cổ phần thủy điện Bát Đại Sơn trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện Bát Đại Sơn vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt; chưa thực hiện đầy đủ báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh định kỳ hàng năm được quy định trong giấy phép hoạt động điện lực…

Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện trong quá trình vận hành triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Sông Lô 6 còn chưa thực hiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng theo quy định; chưa báo cáo công tác an toàn lao động, báo cáo tai nạn lao động gửi cơ quan nhà nước về lao động.

Đối với Nhà máy thủy điện Thuận Hòa, trong quá trình vận hành khai thác, Công ty cổ phần thủy điện Thuận Hòa Hà Giang chưa có hồ sơ cắm mốc giới bảo vệ hành lang hồ chứa; đã tích nước phát điện nhưng chưa được phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa; chưa có giấy phép khai thác nước mặt và giấy phép hoạt động điện lực; chưa thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ…

Ngoài ra, thông báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng chỉ ra một loạt nội dung tồn tại, yêu cầu khắc phục của thủy điện Sông Lô 2, thủy điện Suối Sửu 2, thủy điện Hạ Thành, thủy điện Thái An, thủy điện thanh thủy 2, thủy điện Sông Chảy 5, thủy điện Nậm Mạ 1, thủy điện Nậm Má, thủy điện Nho Quế 1, thủy điện Nho Quế 2, thủy điện Nho Quế 3…


Nhà máy thủy điện Sông Lô 2. (Ảnh: Vietnam+)

"Lỗ hổng" trong khâu quản lý, giám sát

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn, tỉnh Hà Giang có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ, việc đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn đã đóng góp một phần không nhỏ vào khoản thu cho ngân sách nhà nước và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thủy điện thời gian qua còn chưa tốt làm nảy sinh nhiều tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ảnh hưởng các công trình hạ tầng giao thông, hủy hoại môi trường sinh thái vùng hạ du.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ ra là do công tác phối hợp trong việc quản lý các dự án thủy điện giữa các ngành, các cấp chưa tốt, cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, thiếu kiểm tra thường xuyên; không quan tâm đến công tác công bố quy hoạch, cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa.

Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về đâu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên nước… chưa được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện; công tác đảm bảo an sinh xã hội, sinh kế cho người dân địa bàn chưa được các nhà đầu tư khai thác thủy điện quan tâm.

Trước những tồn tại nêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang yêu cầu Sở Công Thương công khai quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và yêu câu các chủ đầu tư phải khắc phục những sai phạm và hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ha Giang cũng đề nghị Sở Công Thương đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh biện pháp xử lý các chủ đầu tư không chấp hành khắc phục vi phạm; kiên quyết xử lý đối với các đơn vị chây ỳ, không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan.

Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, môi trường, đất đai đối với các dự án thủy điện trên đia bàn.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu chủ đâu tư các dự án thủy điện khẩn trương, nghiêm túc khắc phục những tồn tại nêu trên, hoàn thiện các thủ tục liên quan…, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/1/2018./.


Nhà máy thủy điện Thuận Hòa chưa có giấy phép khai thác nước mặt và giấy phép hoạt động điện lực; chưa thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ. (Ảnh: Vietnam+)

Hùng Võ (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất