Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 11/10/2015 9:26'(GMT+7)

Hà Giang: Công tác tuyên truyền góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình dân số

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính chất lâu dài, thường xuyên, liên tục, là một trong những nhiệm vụ chiến lược quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và bình đẳng. Từ đó đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác Dân số - kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình giai đoạn 2011-2015.

Để thực hiện Chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang đã có nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo thực hiện, như: Chương trình số 18-CTr/TU, ngày 22/6/2011 của Tỉnh ủy về  đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng Y tế - Kế hoạch hóa gia đình; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 05/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới; Nghị quyết số 61/2012/NQ-HĐND ngày 14/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang... Qua thực tế 5 năm thực hiện Chương trình (2011- 2015) có thể khẳng định công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo của tỉnh. 

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Giang với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham mưu cho cấp uỷ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện chính sách  dân số - kế hoạch hoá gia đình đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình. Đồng thời đã chỉ đạo, định hướng cho Ban Tuyên giáo các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc, các cơ quan trong khối tuyên truyền, khoa giáo, các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Mở các chuyên trang, chuyên mục về dân số - kế hoạch hoá gia đình trên báo, đài; xây dựng nhiều pa nô, áp phích, khẩu hiệu, sân khấu hóa tuyên truyền các ngày chợ phiên vùng cao, tuyên truyền lưu động đến tận thôn, tổ dân cư... Ban Tuyên giáo các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền Pháp lệnh Dân số, chính sách DS – KHHGĐ, các Chỉ thị , Nghị quyết, Chương trình… của tỉnh tới tận các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; thông qua các họp thôn, tổ dân phố, các cuộc giao ban nội chính… cán bộ Tuyên – Vận cơ sở đã trực tiếp tuyên truyền cho nhân dân nắm và hiểu rõ về chính sách dân số/KHHGĐ.

Đặc biệt, ngành Y Tế đã tích cực chỉ đạo Trung tâm DS – KHHGĐ các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các đoàn thể  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành trong lĩnh vực DS-KHHGĐ, từ đó ý thức của người dân về thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ được nâng lên. Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ về chăm sóc kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản (SKSS/KHHGĐ); tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, y tế thôn; cung cấp đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản. Hằng năm tổ chức ít nhất 2-3 đợt chiến dịch lồng ghép tuyên truyền, vận động, tư vấn và cung cấp dịch vụ sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình tại các vùng đông dân có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…việc phổ biến, quán triệt các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ ở các đơn vị đã có nhiều phương thức tuyên truyền hay, đạt hiệu quả cao và trở thành phong trào rộng lớn thu hút nhiều người, nhiều cơ quan, đoàn thể tham gia.  

Với việc chủ động tuyên truyền rộng rãi các chủ trương và biện pháp KHHGĐ, nhằm làm cho mọi người, trước hết là những người trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của KHHGĐ, thực hiện gia đình ít con. Từ đó tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về DS-KHHGĐ, khắc phục được sự tăng nhanh dân số, chất lượng dân số từng bước được nâng cao. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,82% năm 2011 xuống 1,68% năm 2014 và dự kiến giảm xuống còn 1,64% năm 2015 (KH đến năm 2015 là: 1,58%) đạt 96,3% so với kế hoạch. Tỷ số giới tính khi sinh (Số bé trai/bé gái) tăng từ 104 năm 2011 lên 107 năm 2014 và dự kiến duy trì là 107 năm 2015. Kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai mới hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch giao, do đó đã tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ 65% năm 2011 lên 67,3% năm 2014 và dự kiến tăng lên 67,8% năm 2015.

Đạt được những kết quả đó là do có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và có sự đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, trong đó có chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Sự triển khai tích cực của toàn ngành y tế, đặc biệt là cán bộ dân số và cộng tác viên dân số đã nhiệt tình công tác, thầm lặng ngày đêm, bám trụ cơ sở, đi từng ngõ, gõ từng nhà, do vậy Chương trình Mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình của tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình trong thời gian qua chưa thực sự đạt được yêu cầu như mong muốn, việc truyền thông giáo dục chăm sóc sức khoẻ cho người dân còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa thật sự tin tưởng và thực hiện nghiêm túc chính sách dân số - KHHGĐ; tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng trở lại ở các hộ gia đình khá giả; cộng tác viên dân số thường biến động ảnh hưởng đến hoạt động của ngành. Tỷ số giới tính khi sinh  đang có xu hướng gia tăng và bắt đầu từ năm 2012 đã xuất hiện dấu hiệu của mất cân bằng giới tính khi sinh (107 bé trai/100 bé gái), về mức sinh có giảm nhưng chậm, giảm không đều giữa các vùng (Hà Giang đang đứng tốp 10 tỉnh có mức sinh cao nhất); một số dân tộc thiểu số có biểu hiện của tình trạng suy thoái giống nòi (suy giảm về chiều cao, cân nặng)…

Nguyên nhân do là do một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên tới thực hiện chương trình, phó mặc cho ngành y tế; nguồn lực phục vụ cho chương trình còn hạn chế; cán bộ chuyên trách dân số năng lực  chuyên môn còn yếu chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; một phần do phong tục, tập quán lạc hậu, dân trí thấp, nhận thức của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn hạn chế yếu kém, giao thông đi lại khó khăn… đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.

Khắc phục những hạn chế, yếu kém góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển kinh tế -xã hội, xoá đói giảm nghèo, công tác tuyên truyền thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết tốt các nhiệm vụ sau: 

Một là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác Dân số - KHHGĐ, thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ, coi việc thực hiện chính sách dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đơn vị cơ sở; đưa các chỉ tiêu dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả để kịp thời uốn nắn, đề ra các giải pháp phù hợp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

Hai là, tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tăng cường mở các lớp tập huấn tại các thôn bản và đưa các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đến thôn bản.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước có liên quan đến công tác DS – KHHGĐ và Pháp lệnh dân số đến các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đông dân có mức sinh cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác DS – KHHGĐ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Tuyên truyền vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dịch thuật từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc để phù hợp với từng vùng, miền, từng dân tộc nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông để mọi người dân đều được tiếp cận với các chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình. 

Bốn là,củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ dân số đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng; quan tâm đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia, đầu tư cho công tác Dân số - KHHGĐ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Dân số - KHHGĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp lệnh dân số; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức và cá nhân có thành tích trong thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.

Nguyễn Thị Hoà
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Giang


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất