Đại sứ Lê Dũng nhấn mạnh cam kết của Việt Nam về tăng cường an ninh hạt nhân, ủng hộ IAEA trong quá trình thúc đẩy tăng số lượng thành viên và thực thi đầy đủ Công ước về bảo vệ thực thể hạt nhân.
Ngày 11/11, Đại sứ Lê Dũng, Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã chủ tọa Cuộc họp lần thứ 5 các cơ quan đầu mối quốc gia thành viên Công ước về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM).
Tham dự cuộc họp có khoảng 400 đại biểu từ các cơ quan quản lý sử dụng năng lượng hạt nhân thuộc 159 nước thành viên CPPNM và 121 nước thành viên Văn kiện sửa đổi CPPNM.
Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc IAEA Juan Carlos Lentijo đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận hai vấn đề: tiến trình thực thi CPPNM và văn kiện sửa đổi CPPNM; thực trạng và các biện pháp giúp gia tăng số lượng quốc gia thành viên CPPNM và văn kiện sửa đổi CPPNM.
Tiếp theo phát biểu của Phó Tổng Giám đốc IAEA, Đại sứ Lê Dũng nhấn mạnh cam kết của Việt Nam về tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu, ủng hộ IAEA trong quá trình thúc đẩy gia tăng số lượng thành viên và thực thi đầy đủ CPPNM và văn kiện sửa đổi CPPNM.
Đại sứ mong muốn cuộc họp sẽ tập trung vào những vấn đề được coi là thách thức lớn nhấn trong quá trình thực hiện Công ước như vấn đề chỉ định đầu mối quốc gia, xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia trong bảo vệ thực thể hạt nhân...
Đại diện Bộ phận phụ trách các vấn đề pháp lý của IAEA nhấn mạnh một số thách thức trong tiến trình thực thi CPPNM.
Theo Điều 5 của Công ước, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ chỉ định cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Công ước nhưng 39/159 quốc gia thành viên vẫn chưa thực hiện quy định này, tạo ra hạn chế nhất định trong quá trình kết nối giữa IAEA và các nước thành viên cũng như giữa các nước thành viên với nhau.
Bên cạnh đó, Điều 14 của Công ước yêu cầu các nước thành viên cập nhật hệ thống văn bản pháp luật cũng như các biện pháp bảo đảm an ninh trong quá trình vận chuyển, lưu giữ và sử dụng vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, hiện chỉ có 47 quốc gia thành viên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này.
Về thúc đẩy gia tăng số lượng thành Công ước, IAEA nhấn mạnh CPPNM và Văn kiện sửa đổi Công ước là văn kiện có tính ràng buộc pháp lý duy nhất điều chỉnh vấn đề bảo đảm an ninh cho vật liệu hạt nhân nên việc khuyến khích các quốc gia chấp thuận sự ràng buộc của hai văn kiện này là rất cần thiết.
Tuy nhiên, 38 nước thành viên CPPNM chưa thực hiện các thủ tục nội bộ để trở thành thành viên của Văn kiện sửa đổi Công ước và 34/193 thành viên Liên hợp quốc chưa chấp thuận sự ràng buộc của cả hai văn kiện.
IAEA mong muốn tất cả các quốc gia nhận thức được vai trò của CPPNM và sớm gia nhập các văn kiện này.
Đại diện một số nước thành viên đã chia sẻ về kinh nghiệm về thực thi CPPNM và hoàn thành các thủ tục nội bộ để trở thành thành viên Văn kiện sửa đổi CPPNM, chia sẻ về các thách thức và khó khăn trong đẩy mạnh các tiến trình này.
Tại cuộc họp, Nhóm chuyên gia pháp lý-kỹ thuật đã thông báo về công tác chuẩn bị và kiến nghị một số biện pháp có thể thúc đẩy tiến trình chuẩn bị Hội nghị các nước thành viên văn kiện sửa đổi CPPNM, dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2021.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Đại sứ Lê Dũng nhấn mạnh nguyên tắc việc thực thi CPPNM và văn kiện sửa đổi CPPNM cần dựa trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ cho rằng tiến trình thực thi và thúc đẩy số lượng thành viên Công ước chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan quản lý sử dụng năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia.
Đại sứ đề nghị các nước thành viên cân nhắc nâng cấp Cuộc họp kỹ thuật giữa các đầu mối quốc gia thành Khóa họp thường niên giữa các quốc gia thành viên CPPNM để có thể trao đổi sâu hơn về cả vấn đề chính trị và kỹ thuật trong tiến trình gia nhập và thực thi CPPNM và Văn kiện sửa đổi Công ước.
Đại sứ Lê Dũng cũng mong muốn IAEA đóng vai trò chủ trì soạn thảo báo cáo hằng năm, trong đó khuyến nghị các biện pháp nhằm thực thi Công ước trình Khóa họp giữa các nước thành viên CPPNM thông qua.
Các nước thành viên đánh giá cao, cho rằng các đề xuất nêu trên có tính khả thi và cần được thảo luận chi tiết trong thời gian tới.
Công ước CPPNM được thông qua năm 1979, có hiệu lực năm 1987. Năm 2005, các nước thành viên CPPNM thông qua Văn kiện sửa đổi Công ước nhằm điều chỉnh hiệu quả các thách thức mới trong bảo đảm an ninh cho vật liệu hạt nhân, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển các vật liệu này hoặc phá hủy các cơ sở hạt nhân.
Văn kiện sửa đổi CPPNM có hiệu lực từ năm 2016. Việt Nam đã trở thành thành viên CPPNM và văn kiện sửa đổi CPPNM lần lượt trong các năm 2012 và 2016./.
Theo Vietnam+