(TG) - 9 tháng đầu năm 2022 Sở Công Thương Hà Nam đã hỗ trợ được cho 18 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí là 5.170 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có khoảng 56.751 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đang hoạt động với tổng số lao động là 246.086 người. Các cơ sở có hoạt động sản xuất thuộc các ngành: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và chế biến thực phẩm; dệt may; thủ công mỹ nghệ… tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần ổn định đời sống của nhân dân lao động nói riêng và xã hội nói chung.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn tỉnh tương đối sôi động, nhất là cơ sở tại các làng nghề, làng có nghề. Qua đó, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định như: quy mô doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn nhỏ; việc tiếp cận thị trường còn gặp khó khăn, do bị đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; thiếu hụt nguồn lao động, nhân lực có trình độ cao; khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, có cơ sở phải tạm dừng hoạt động v.v... đã ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nhất là các cơ sở CNNT.
Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Cục Công thương địa phương về Chương trình khuyến công quốc gia, Sở Công Thương Hà Nam đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
9 tháng đầu năm 2022, thực hiện các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia, hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương Hà Nam đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các đề án. Kết quả, đã hỗ trợ được cho 18 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí là 5.170 triệu đồng.
Đối với khuyến công địa phương: Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho tỉnh dành mọi nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở CNNT sản xuất CN - TTCN trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện hỗ trợ cho 16 cơ sở CNNT với tổng kinh phí thực hiện là 3.438 triệu đồng.
Các đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là: Các cơ sở có hoạt động sản xuất thuộc các ngành: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và chế biến thực phẩm; dệt may; thủ công mỹ nghệ… tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần ổn định đời sống của nhân dân lao động nói riêng và xã hội nói chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu ở trên, việc triển khai công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hiện nay, số lượng các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh là rất lớn (khoảng trên 50 nghìn cơ sở đang hoạt động với các ngành nghề khác nhau).
Hầu hết các cơ sở đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, do đó rất cần có sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nguồn kinh phí được Bộ Công Thương và UBND tỉnh hỗ trợ hàng năm qua các đề án khuyến công còn ít so với nhu cầu thực tế.
Việc triển khai đăng ký kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia cho năm liền kề còn gặp khó khăn, chậm tiến độ, do hầu hết các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, do đó việc rà soát, lựa chọn các đối tượng theo nhóm có đủ năng lực thực hiện đề án cần nhiều thời gian.
Nhiều nội dung khuyến công chưa được các cơ sở CNNT tham gia hưởng ứng tích cực như: Tham gia Hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Vì hầu hết các cơ sở CNNT có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu thực hiện sản xuất theo đơn hàng đã có sẵn nên không có nhu cầu tham gia các hoạt động trên. –
Các cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm sản xuất ra còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh không cao. Bên cạnh đó các cơ sở chưa chú trọng trong việc tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường nên khả năng tiêu thụ sản phẩm còn thấp. Vì vậy, nhiều cơ sở sau khi đầu tư chưa khai thác hết công suất của máy móc thiết bị, hiệu quả không cao...
Để thực hiện tốt các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nam đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là khu vực nông thôn.
Tích cực triển khai nhiệm vụ trên cơ sở bám sát các quy định hiện hành của nhà nước về khuyến công, các nhiệm vụ được Bộ Công Thương, UBND tỉnh giao trong năm 2022 và những năm tiếp theo đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
Mặt khác, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt các nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công. Trong đó, chú trọng vào việc xây dựng đề án khuyến công điểm, đề án nhóm tạo sức lan tỏa: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dựng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Đồng thời, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt hoạt động khuyến công; chủ động hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng hoàn thành tốt các dự án được phê duyệt. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, đảm bảo sử dụng các nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích, hiệu quả và đúng quy định.
Thăng Long