(TG) - Việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP (Nghị định 38) là cần thiết nhằm giúp công tác quản lý nhà nước về các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học ngày càng hiệu quả.
Theo Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (Công ước Cấm vũ khí hóa học) đã đạt được một số kết quả nhất định qua 8 năm thi hành. Bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được chỉnh lý để hoàn thiện trong thời gian tới.
Nghị định thực thi Công ước Cấm vũ khí hóa học cần được hoàn thiện
Hóa chất Bảng mang tính lưỡng dụng, vừa là những hóa chất cơ bản (đặc biệt là hóa chất Bảng 3) không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất, được sử dụng để làm phụ gia trong sản xuất xi măng, sản xuất một số loại mỹ phẩm, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất các loại keo dán, dung dịch làm mát… vừa có thể được sử dụng để chế tạo ra vũ khí hoá học, một trong các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, có sức sát thương lớn.
Khoản 8 Điều 4 Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt định nghĩa về tính lưỡng dụng như sau: “Vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng là vật liệu, công nghệ và thiết bị có thể dùng cho mục đích dân sự hoặc sản xuất, buôn bán, vận chuyển và các hoạt động khác liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Tính lưỡng dụng của các loại hóa chất Bảng đang đặt ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý sao cho vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa quản lý theo đúng mục đích của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Do đó, các quy định về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học cần hoàn thiện để phù hợp với các quy định của Luật Hóa chất và phù hợp với Công ước.
Thời gian qua, Công ước Cấm vũ khí hóa học có một số nội dung thay đổi như: Các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hoàn thiện khung pháp lý nội địa (Tài liệu hướng dẫn về khung chính sách thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học; Tài liệu hướng dẫn thực thi pháp luật quốc gia tuân thủ Công ước Cấm vũ khí hóa học). Một số hóa chất Bảng được bổ sung vào danh mục hóa chất Bảng 1.
Tại Quyết định số C-24/DEC.4 và C-24/DEC.5 vào tháng 11 năm 2019, Hội nghị quốc gia thành viên lần thứ 24 của Công ước CWC quyết định bổ sung thêm 04 dòng hóa chất vào Danh mục hóa chất Bảng 1.
Quyết định này có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2020, theo đó, các quốc gia thành viên cần bổ sung các hoá chất này trong danh mục hóa chất cần quản lý tại các văn bản nội luật
Như vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP (Nghị định 38) là cần thiết nhằm khắc phục một số hạn chế, tồn tại cả về mặt pháp lý và thực tiễn, giúp công tác quản lý nhà nước về các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học ngày càng hiệu quả, giúp Việt Nam tuân thủ và thực thi trách nhiệm của mình trong thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hóa chất Bảng
Nghị định số 38/2017/NĐ-CP dự kiến được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế theo hướng tiếp thu, kế thừa và đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý hóa chất, nâng cao hiệu quả quản lý các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học, đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp trong việc thực thi Công ước Cấm vũ khí hóa học giữa các bộ, ngành, giữa chính quyền trung ương và địa phương. Các định hướng chính như sau:
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất hóa chất Bảng hướng tới việc thống nhất và hoàn thiện các yêu cầu quản lý (sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, xuất nhập khẩu…), quy trình thanh sát, thanh tra, kiểm tra và chế độ báo cáo đối với hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý hóa chất (Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP; Nghị định số 77/2016/NĐ-CP; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP…) và các quy định tại Phụ lục Kiểm chứng của Công ước.
Bổ sung các quy định về đánh giá điều kiện thực tế và đánh giá duy trì điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng. Quy định này là cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng trước khi cấp phép nhằm tiếp cận và đánh giá đúng tình hình thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh hóa chất Bảng theo hướng có điều kiện kinh doanh nhằm đưa các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này đi vào nền nếp, đồng thời giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
Đối với xuất nhập khẩu hóa chất Bảng: Dự thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất Bảng đã được cấp Giấy phép xuất nhập khẩu sẽ không phải khai báo nhập khẩu hóa chất và việc cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng sẽ được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát các quy định về xuất nhập khẩu hóa chất Bảng để chỉnh lý cho phù hợp hơn nhằm hạn chế sự sai khác về số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia khi thực hiện nghĩa vụ thông tin cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
Cập nhật các danh mục hóa chất Bảng theo yêu cầu mới của Công ước
Bổ sung quy định về thanh sát nội địa nhằm mục đích chuẩn bị tốt hơn cho việc đón tiếp Đoàn thanh sát quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Bổ sung quy định về giới hạn nồng độ quản lý hóa chất Bảng nhằm vừa đáp ứng các yêu cầu về khai báo theo nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước, vừa tuân thủ chủ trương cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ.
Hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, chức năng của Cơ quan quốc gia thực hiện Công ước và tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và giữa trung ương/ địa phương trong việc thực thi Công ước.
Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin (khai báo qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia; cấp phép qua Cổng dịch vụ công quốc gia…) để hỗ trợ việc thực hiện Công ước của các tổ chức, cá nhân.
Thăng Long