Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Thứ Sáu, 20/11/2015 11:6'(GMT+7)

Hà Nam thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm tổ chức triển khai thực hiện QCDC tới cán bộ, đảng viên

Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm tổ chức triển khai thực hiện QCDC tới cán bộ, đảng viên

Xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực nhằm huy động sức mạnh của tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, mấy năm gần đây việc duy trì, phát huy quy chế dân chủ được gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", phong trào thi đua "Dân vận khéo"... qua đó, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị trong việc động viên các nguồn lực xã hội phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong điều hành, quản lý, nhất là trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính công, thực hiện chính sách xã hội... Mặt khác, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, không để xảy ra "điểm nóng".


Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã góp phần tích cực đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vài trò, trách nhiệm, uy tín của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong việc nắm bắt tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như hướng dẫn cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã quan tâm tạo điều kiện để Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân phát huy vài trò giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn những năm qua đã có những chuyển biến tích cực với nhiều biện pháp hình thức chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả. Các cấp ủy Đảng đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở theo hướng dân chủ, dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân để xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh. Nhiều nghị quyết của cấp ủy được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Dân chủ trong tổ chức Đảng cũng không ngừng được mở rộng, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghị quyết của cấp ủy; lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, sửa chữa khuyết điểm với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị. Kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức Đảng, cơ quan công quyền, đoàn thể qua đây cũng được tăng cường, góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.


Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh Hà Nam được thể hiện rõ nét thông qua việc cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức cho dân tham gia ý kiến xây dựng, thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; lựa chọn hình thức tổ chức sản xuất, cách thức huy động và mức đóng góp. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai trong quản lý tài chính, ngân sách, các loại quỹ của địa phương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; dự án công trình đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp cũng công khai nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải quyết công việc của tổ chức và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện để nhân dân kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, chính quyền, đoàn thể ở địa phương; kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch, thu chi tài chính, quản lý, sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng và các khoản đóng góp... Đặc biệt, nhờ thực hiện nghiêm túc, đúng hướng nên quy chế dân chủ đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua việc khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, đồng thuận cao trong nhân dân. Trong 4 năm từ 2011 - 2015, nhân dân toàn tỉnh đã hiến trên 152.000 m2 đất, đóng góp gần 976.000 ngày công, hàng trăm nghìn m3 cát, đá, phá dỡ hàng trăm nghìn m2 tường rào, công trình phụ trợ, cây lưu niệm... để mở rộng đường. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2015 đã cơ bản hoàn thành, nhiều nội dung đạt kết quả cao như: dồn đổi ruộng đất; xây dựng mô hình sản xuất mới với hơn 4.500 điểm mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, gần 1.000 mô hình trồng nấm ăn, chăn nuôi hơn 1.600 con bò sữa; hoàn thành quy hoạch 17 vùng nông nghiệp chất lượng cao; cơ bản hoàn thành giao thông nông thôn với hơn 1.800 km và 880 km đường trục chính ra đồng; xây dựng 283 nhà văn hóa thôn, xóm... Đến hết năm 2015, ước tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 3%.

Theo ông Trần Đức Thuần, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam, nhờ có sự sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, ngành trong triển khai thực hiện nên quy chế dân chủ không ngừng được mở rộng. Quy chế dân chủ đã dần khẳng định vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường và đổi mới công tác dân vận, trọng tâm là công tác dân vận của chính quyền, tập trung giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân; quan tâm nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho nhân dân, nâng cao nhận thức về dân chủ, năng lực thực hành dân chủ của cán bộ, công chức và nhân dân. Ngoài ra, các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu chi tài chính và sự đóng góp của nhân dân. Đồng thời, coi trọng việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội./.


Nguyễn Chinh/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất