Trong một động thái cho thấy tâm lý ủng hộ Cuba ngày càng tăng trong
Quốc hội Mỹ, ngày 28/7, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Tom Emmer đã đệ trình một dự
luật nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Washington áp đặt đối với La Habana hơn
50 năm qua.
Nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết Hạ nghị sỹ Emmer đã chính thức đệ
trình dự luật mang tên “Đạo luật Thương mại Cuba 2015”, theo đó chấm dứt
những quy định áp đặt hơn 5 thập kỷ qua nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp
Mỹ làm ăn với Cuba và công dân Mỹ không được phép tới đảo quốc Caribe
này.
Hạ nghị sỹ Emmer tuyên bố ông đã quyết định tìm cách dỡ bỏ hoàn toàn
lệnh cấm vận đối với La Habana sau chuyến thăm Cuba hồi tháng Sáu vừa
qua, nơi ông có dịp gặp gỡ các quan chức Cuba và hàng ngày tiếp xúc với
người dân nước này. Phát biểu với báo giới, Hạ nghị sỹ Emmer nói: “Tôi
hiểu ra rằng lệnh cấm vận áp đặt nhiều thập kỷ qua đã gây ra nhiều tổn
thương cho cả hai phía. Tôi tin không phải Chính phủ Cuba mà chính nhân
dân Cuba sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất một khi lệnh cấm
vận được bãi bỏ. Họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để cải thiện cuộc sống của
mình."
Chính khách này cũng thừa nhận dự luật do ông đệ trình sẽ phải đối mặt
với thách thức từ phía các nhà lãnh đạo Cộng hòa và các nghị sỹ gốc Cuba
tại Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, Cố vấn cấp cao Steven Law của Nhóm Can dự
với Cuba, một tổ chức vận động hành lang ủng hộ bình thường hóa quan hệ
với La Habana, cho rằng đó là phản ứng bình thường của các chính khách
Mỹ khi đối diện với trường hợp Tổng thống Barack Obama sử dụng quyền
hành pháp của người đứng đầu chính phủ để điều chỉnh chính sách của Mỹ.
Kể từ sau tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ ngoại giao được Tổng
thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đưa ra ngày 17/12/2014,
hai nước đã nhanh chóng triển khai hàng loạt bước đi nhằm đẩy nhanh quá
trình này. Mỹ và Cuba đã tiến hành bốn vòng đàm phán lần lượt tại thủ đô
của hai nước với những tiến triển trong nhiều vấn đề quan trọng. Mỹ
cũng đã dỡ bỏ rào cản lớn nhất trên con đường khôi phục quan hệ song
phương khi đưa Cuba ra khỏi cái gọi là "Danh sách các nước bảo trợ khủng
bố."
Hồi đầu tháng Tư vừa qua, Washington và La Habana cũng đã lần đầu tiên
tổ chức cuộc đối thoại về nhân quyền. Tuy nhiên, nội bộ chính giới Mỹ,
đặc biệt là giới lập pháp Cộng hòa đang kiểm soát hai viện Quốc hội,
không hoàn toàn ủng hộ chủ trương bình thường hóa quan hệ của chính
quyền Obama. Các Thượng nghị sỹ Dân chủ và một số nhà lập pháp của Cộng
hòa tại Thượng viện Mỹ đang tìm cách nới lỏng các hạn chế về thương mại
và đi lại tới Cuba, trong khi các nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ phản
đối và đề xuất áp đặt một loạt hạn chế bổ sung nhằm siết chặt lệnh cấm
vận.
Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner đã công khai tuyên bố
rằng Hạ viện sẽ không xử lý lệnh cấm vận này cho tới khi ông nhận thấy
những thay đổi mạnh mẽ tại Cuba, trong đó có việc bắt đầu giai đoạn
chuyển tiếp hướng tới một chính phủ dân chủ và những tiến bộ trong hồ sơ
nhân quyền tại Cuba. Trước đó, với 18 phiếu thuận và 12 phiếu chống, Ủy
ban chuẩn chi ngân sách của Thượng viện Mỹ hôm 23/7 đã thông qua dự
luật bãi bỏ hoàn toàn các hạn chế về du lịch mà Washington áp đặt đối
với Cuba cách đây nhiều thập kỷ.
Đây là dự luật đầu tiên được thông qua tại một ủy ban Quốc hội Mỹ kể từ
tháng 12/2014, thời điểm Tổng thống Obama thông báo quyết định bình
thường hóa quan hệ với Cuba. Dự luật này được thông qua chỉ 3 ngày sau
khi Mỹ và Cuba chính thức mở lại các Đại sứ quán tại thủ đô hai nước.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã có cuộc hội đàm lịch sử với Ngoại
trưởng Cuba Bruno Rodriguez ở Washington. Dự kiến, ông Kerry sẽ tới Cuba
vào ngày 14/8 để dự lễ thượng cờ nâng cấp Phòng Đại diện quyền lợi
thành Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô La Habana. Ông Kerry sẽ là Ngoại trưởng Mỹ
đầu tiên thăm nước láng giềng Cuba sau hơn 50 năm./.
(TTXVN)