Mặc dù những vụ xả súng hàng loạt chỉ chiếm một phần nhỏ trong bạo lực súng ống nói chung, nhưng chúng dường như đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn tại Mỹ. Thực trạng đó phơi bày vấn đề mà chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đang gặp phải: Đó là thất bại trong nỗ lực kiểm soát việc sở hữu và buôn bán súng đạn, căn nguyên dẫn tới việc liên tục xảy ra các vụ xả súng giết người vô tội ở Mỹ...
Sáng 24/7, giờ Oa-sinh-tơn, một tay súng đã nã đạn tại một rạp chiếu phim ở thành phố La-phay-ét, bang Lu-di-a-na, giết chết 2 người và làm bị thương 7 người khác trước khi tự kết liễu đời mình. Thông tin mới nhất của cảnh sát cho biết, kẻ gây án là Giôn Hau-xơ (John Houser), 59 tuổi, một cư dân da trắng đến từ bang A-la-ba-ma và đã ở trọ tại một khách sạn nhỏ ở địa phương từ đầu tháng 7. Cảnh sát đã phát hiện một bộ kính các loại và tóc giả trong khách sạn, cùng một biển số xe dự phòng trong xe của đối tượng. Tuy nhiên, động cơ xả súng chưa được làm rõ. Cảnh sát địa phương khẳng định, thủ phạm đã lập kế hoạch phạm tội từ trước và lên sẵn phương án chạy trốn sau khi gây án. Sau đó, do bị dồn vào rạp chiếu phim và không thể tẩu thoát, tên này đã rút súng tự sát.
Đây là vụ xả súng giết người bừa bãi thứ hai trong tháng 7 tại Mỹ. Vụ việc nói trên xảy ra không lâu sau hai thảm kịch trước đó tại Sác-lơ-xtơn và Chát-ta-nô-ga cướp đi mạng sống của 14 người dân vô tội, gây hiệu ứng sốc mạnh mẽ cho các cộng đồng dân cư và toàn thể nước Mỹ. Theo các nguồn tin mới đây của giới truyền thông, tay súng tấn công làm chết các binh sĩ thủy quân lục chiến ở Chát-ta-nô-ga đầu tháng 7 này đã lợi dụng lỗ hổng của việc kinh doanh súng trên mạng và mua ít nhất một trong số các vũ khí thông qua kênh này mà không cần trải qua sự kiểm tra nhân thân hay trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Trước đó, ngày 17/6, một thanh niên da trắng tên là Đai-lân Rúp (Dylann Roof) đã nổ súng vào đám đông các tín đồ tới cầu nguyện tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal, một trong những nhà thờ nổi tiếng của người Mỹ gốc Phi ở Sác-lơ-xtơn, khiến 9 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Cảnh sát cho biết, khẩu súng Đai-lân Rúp gây án là được người bố tặng nhân dịp sinh nhật của cậu ta hồi tháng 4/2015. Báo chí địa phương cho hay, những vụ việc đau lòng trên là hệ quả của thủ tục kiểm tra nhân thân không hoàn chỉnh tại cơ sở bán súng được cấp phép liên bang.
Mỹ là quốc gia hợp pháp hóa việc cá nhân sở hữu vũ khí. Cơ chế kiểm soát vũ khí lỏng lẻo đã biến Mỹ thành một trong những quốc gia sử dụng vũ khí cá nhân nhiều nhất trên thế giới với khoảng 310 triệu khẩu súng đang lưu hành. Mỗi năm, nước Mỹ có khoảng 100 hội chợ vũ khí. Theo điều tra của Liên hợp quốc, khoảng 90.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì súng đạn tính từ năm 2003 đến nay. Còn hãng tin CNN cho biết, trung bình mỗi ngày ở Mỹ có 88 công dân thiệt mạng do bạo lực súng đạn. Làm một phép so sánh, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cho biết, số lượng người Mỹ thiệt mạng do các hành động khủng bố kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 chưa đầy 100 người, trong khi đó, số người Mỹ thiệt mạng vì các vụ bạo lực súng đạn đã lên tới hàng nghìn. Không phải vụ việc nào cũng xuất hiện trên mặt báo, nhưng rõ ràng mạng sống của mỗi người trong số họ đều quan trọng, và việc mất đi mỗi người như vậy là một tổn thất đối với quốc gia phát triển này.
Kể từ khi đạo luật cấm các loại vũ khí tấn công hết hạn từ năm 2004, tất cả các dự luật cải cách về kiểm soát súng đạn đều bị “chết yểu” tại Quốc hội. Ngay cả Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng thừa nhận việc không thuyết phục được Quốc hội thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn là thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ làm tổng thống của ông từ năm 2009 tới nay. Ông B.Ô-ba-ma bày tỏ đau lòng khi không đạt được tiến bộ về vấn đề này trong bối cảnh nước Mỹ đang liên tiếp phải đối mặt với các vụ nổ súng giết người vô tội. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực mặc dù hy vọng đạt được tiến bộ không mấy khả quan.
Dĩ nhiên, ngồi trông chờ vào Quốc hội không chỉ là điều duy nhất có thể làm. Nước Mỹ cần kêu gọi các cửa hàng bán lẻ mặt hàng đặc biệt này chỉ tiến hành giao dịch sau khi hoàn toàn kết thúc giai đoạn kiểm tra nhân thân, thể hiện quyền và trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm rằng những người đến mua súng không phải là tội phạm, những kẻ lạm dụng, có bệnh lý thần kinh hay có hận thù sắc tộc./.
Bình Nguyên (QĐND)