Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 23/9/2011 18:38'(GMT+7)

Hà Nội cần đặt hàng giới khoa học giải quyết các vấn đề lớn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Về lâu dài, mô hình tăng trưởng của Hà Nội phải giảm dần nhu cầu tăng vốn để tập trung tăng hàm lượng KHCN và năng suất lao động. (Ảnh: Chinhphu.vn).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Về lâu dài, mô hình tăng trưởng của Hà Nội phải giảm dần nhu cầu tăng vốn để tập trung tăng hàm lượng KHCN và năng suất lao động. (Ảnh: Chinhphu.vn).

Tiếp theo chương trình khảo sát và đánh giá về tình hình ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) trên địa bàn Hà Nội, ngày 23/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với UBND Thành phố về những kinh nghiệm và vấn đề trong cơ chế chính sách, để KHCN thực sự trở thành đòn bẩy phục vụ phát triển KTXH của Thủ đô.

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội được Chính phủ xác định là 1 trong 2 trung tâm KHCN lớn nhất cả nước, là nơi đóng góp nhiều thành tựu nghiên cứu KHCN nổi bật, là điểm đến của nhiều tổ chức nghiên cứu KHCN trong nước và quốc tế.

Hà Nội hiện có 410 đơn vị KHCN thuộc các sở, ban, ngành và 2.220 đơn vị trực thuộc UBND Thành phố. Ngoài ra, có khoảng 285 đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ được cấp phép hoạt động.

Trong 5 năm (2006-2010), ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố đạt khoảng 1.739 tỷ đồng, tăng từ 174,8 tỷ đồng (2006) lên 646,3 tỷ đồng vào năm 2010.

Cùng thời gian, các chương trình KHCN cấp thành phố đã triển khai 545 đề tài nghiên cứu và 36 dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài khoảng 70% và dự án là 100%.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo của Thủ đô Hà Nội trong nhiệm vụ phát triển KHCN. Công tác chỉ đạo, điều hành, các định hướng về KHCN của Thành phố rất kịp thời và đã phát huy hiệu quả.

Phó Thủ tướng gợi ý, về lâu dài, mô hình tăng trưởng của Hà Nội phải giảm dần nhu cầu tăng vốn để tập trung tăng hàm lượng KHCN và năng suất lao động trong tất cả các lĩnh vực, thể hiện qua các chỉ số cụ thể. Phó Thủ tướng giao Hà Nội tập trung giám sát chỉ tiêu khoa học đối với 3 vấn đề là cơ khí, môi trường và nông nghiệp.

Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội sớm tổ chức hội nghị gặp mặt và đặt hàng giữa UBND Hà Nội với các nhà khoa học uy tín để tập trung trí tuệ nhằm nghiên cứu giải quyết các vấn đề lớn về văn hóa, giao thông, môi trường, cơ khí, nông nghiệp… của Hà Nội trong 5 năm tới.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để huy động chất xám của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học sau khi nghỉ quản lý ở tuổi 60.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng Chính phủ điện tử trong 5 năm tới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận thực trạng KHCN tại Hà Nội vẫn còn những hạn chế lớn mà thành phố vẫn chưa thể bứt phá theo các mục tiêu đặt ra. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc KHCN chưa thể trở thành động lực cho sự phát triển chính là cơ chế chính sách đãi ngộ với các nhà khoa học, cơ sở vật chất để phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ chưa đồng bộ, đặc biệt là nhận thức của đội ngũ cán bộ đang làm nhiệm vụ quản lý và nghiên cứu KHCN còn nhiều tồn tại.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đặt hàng các nhà khoa học để góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng của thành phố như quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, làng nghề truyền thống, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng ùn tắc giao thông và ngập lụt…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, bức tranh về khoa học tự nhiên, ứng dụng KHCN trong sản xuất ở Thủ đô là khá tốt, tuy nhiên các hoạt động, các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội trên địa bàn Hà Nội còn mờ nhạt, chưa thấy nhiều điểm sáng.

Để thúc đẩy và phát huy tối đa vai trò của KHCN trên địa bàn Hà Nội theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững, UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc thành lập, xây dựng, quản lý và khai thác Khu công nghệ cao thuộc Thành phố Hà Nội.

Đồng thời, hỗ trợ thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN với một số thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Cùng với đó, ban hành các cơ chế, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ đặc thù đối với các chuyên gia, tổ chức nước ngoài, các tổng công trình sư tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Thủ đô.

Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành cơ chế khoán kinh phí theo hướng tinh giản, giao khoán trọn gói cho những dự án, đề tài KHCN đặc thù./.
 
(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất