Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe lâu dài và tăng cường phòng chống dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đang đặt ra nhiều giải pháp mạnh, trọng tâm để siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm
Thành phố Hà Nội có lượng người sinh sống đông với gần 10 triệu dân, đặc biệt khu vực nội đô có mật đô dân số cao nên việc ăn uống làm sao cho đảm bảo vệ sinh luôn là bài toán nan giải trong thời gian dài.
Không những người bán hàng trên địa bàn nhiều nơi ý thức chưa cao, mà việc hàng hóa nhập lậu, trôi nổi tuồn vào địa bàn cũng là một giải pháp khó kiểm soát.
Thành phố Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Theo số liệu điều tra cơ bản mới nhất cuối năm 2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 Trung tâm Thương mại, 5.000ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát.
Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Công Thương, Sở Y tế Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về việc quản lý hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý các lễ hội. Từ đó, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập và tổ chức các đoàn thanh kiểm tra liên ngành, đặc biệt tập trung thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong các dịp trọng điểm.
Đặc biệt đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh Hà Nội đang dồn mọi nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong quý 1/2020, thành phố tổ chức trên 700 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường và các chủng loại thực phẩm có mức tiêu thụ cao, kiểm tra kiểm soát dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất rau an toàn, kinh doanh trái cây...
Trong 6 tháng cuối năm 2019, thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành (từ ngày 10/7/2019 đến 10/01/2020) tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 39.319 cơ sở, số cơ sở vi phạm là 5385 cơ sở (13,7%), số cơ sở bị phạt tiền: 3.919 (10,0%), với số tiền phạt trên 7 tỷ đồng, nhắc nhở 1.466 cơ sở.
Sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp cho thị trường
Để cung ứng hàng hóa ngày càng nhiều cho người dân trên địa bàn thủ đô, thành phố đã rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn.
Thành phố triển khai một số chương trình, đề án lớn hỗ trợ đảm bảo an toàn thực phẩm như “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn”, “Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao,” “Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm,” “Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản”... đã được hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, diện tích rau VietGAP đạt hơn 225ha, gần 50ha rau hữu cơ, đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 4.276 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QRcode được xây dựng. Qua đó đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.506 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố.
Hà Nội đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tông bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội tích cực trong kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản; xây dựng và phát triển được 727 chuỗi.
Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi; dã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Trên địa bàn thành phố có trên 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn phủ khắp thành phố.
Một số hệ thống lớn như: Hệ thống Vinmart có tổng số 44 siêu thị, trên 800 cửa hàng tiện ích; Hệ thống Siêu thị Lan Chi có 13 siêu thị; Hệ thống Intimex có 06 siêu thị; Hệ thống Coopfood có 57 cửa hàng tiện lợi, Hệ thống Circle K có 145 cửa hàng; Hệ thống K-mart có 32 cửa hàng; Hệ thống T-martstores có 36 cửa hàng; Hệ thống Homefarm có 51 cửa hàng...
Việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích về cơ bản được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm.
Siết chặt quản lý
Thành phố Hà Nội luôn coi an toàn thực phẩm là rất quan trọng và không lơ là chủ quan. Thành phố đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó quan trọng hàng đầu là hướng đến việc siết chặt quản lý tới các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thành phố chỉ đạo các cấp ngành chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về lựa chọn thực phẩm an toàn, nâng cao sức đề kháng cơ thể trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp.
Chủ động và phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật và đẩy mạnh triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã và xã phường, thị trấn.
Hà Nội chỉ đạo trong thời gian tới, nhất là dịp dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp cần siết chặt quản lý các cở sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, củ, quả, dư lượng chất kháng sinh và chất cấm tăng trưởng trong sản phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm...
Hà Nội tăng cường xét nghiệm nhanh tại các chợ, chợ đầu mối, siêu thị và một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Lấy mẫu xét nghiệm gửi phân tích các loại hóa chất tại các labo (Laboratory - phòng thí nghiệm) chuyên sâu các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và kinh doanh theo mùa./.
Theo TTXVN