Để kịp thời chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành
phố khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn,
thành phố Hà Nội đã quyết định trích Quỹ cứu trợ thiên tai 19 tỷ đồng để
hỗ trợ nhân dân 19 tỉnh, thành phố; mỗi địa phương 1 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền trên sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chuyển về
Quỹ cứu trợ thiên tai của 19 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Bạc Liêu, Khánh
Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, Bến
Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà
Mau, Đắc Nông, Lâm Đồng, nhằm kịp thời giúp bà con khắc phục hậu quả
thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất.
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ tháng
12/2015 đến tháng 2/2016, lượng mưa trên toàn vùng giảm khoảng 40% so
với cùng kỳ; mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung
bình nhiều năm từ 15-35% (một số khu vực xuống thấp hơn từ 40-60%); trên
35% số sông, suối và 40% số hồ nhỏ kiệt nước.
Trước tình hình khô hạn đang diễn biến phức tạp và hết sức khốc liệt,
diễn ra tại các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và khu vực Đồng bằng
sông Cửu Long, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tăng cường
biện pháp chống hạn như nạo vét các tuyến kênh dẫn, các cửa vào cống lấy
nước; khơi thông dòng chảy, đắp các đập tạm để giữ nước, xây dựng một
số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông..., nhằm hạn chế thấp nhất
thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do hạn hán gây ra.
Tại Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã phối hợp
với các địa phương chủ động bơm tiếp sức, "lách" mặn để phục vụ sản xuất
lúa Đông Xuân trên địa bàn.
Vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh Quảng Nam gieo sạ khoảng 43.500ha lúa,
trong đó có 38.500ha lúa chủ động được nước tưới, còn lại là chân ruộng
lúa nước trời. Do từ đầu vụ, lượng mưa trên địa bàn ít, các hồ chứa
chưa tích đạt mực nước so với trung bình các năm nên việc đảm bảo nước
tưới phục vụ sản xuất gặp không ít khó khăn.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam đã phân định các khu
vực có nguy cơ thiếu nước ở khu vực cuối kênh, khu vực có nguy cơ mặn
xâm nhập để lên kế hoạch xử lý. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2016, lãnh đạo
tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các thủy điện trên địa bàn như
Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4… cùng phối hợp để điều tiết nước giúp hạ
du khi có hạn hán xảy ra.
Bên cạnh đó, Quảng Nam đã tiến hành đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện.
Vì vậy, đến nay việc đảm bảo tưới nước cho lúa Đông Xuân trên địa bàn cơ
bản diễn ra theo kế hoạch. Đối với những khu vực cuối kênh, các địa
phương đã tận dụng các nguồn nước tại chỗ như ao, hồ, suối để bơm “tiếp
sức”; đối với trạm bơm trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, ngành chức
năng phối hợp với địa phương tổ chức nạo vét luồng lạch từ sông vào đến
trạm bơm để lấy nước bơm, phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt.
Đối với những trạm bơm có mặn xâm nhập với tỷ lệ thấp, ngành nông nghiệp
bố trí bơm "lách" triều để lấy nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tại một số vùng không chủ động được nước tưới như vùng phía Tây huyện
Thăng Bình, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước… ngành chức năng bố trí cán
bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình
hình thời tiết./.
(TTXVN)