Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 1/11/2011 10:41'(GMT+7)

Hà Nội, Mátxcơva hát vang “Bài ca chiến thắng”

“Các bạn chú ý, đây là Đài phát thanh Mátxcơva. Chúng tôi xin công bố một thông tin quan trọng của chính phủ: Thưa toàn thể công dân của Liên bang Xôviết, hôm nay vào lúc 4h sáng, các lực lượng vũ trang Đức quốc xã đã tấn công vào các biên giới của nước ta mà không hề đưa ra một lời tuyên chiến. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống quân xâm lược Đức quốc xã đã bắt đầu”.

Sau lời công bố ấy của Chính phủ Nga, chỉ hai ngày sau, nhạc sĩ A.Alecxandrov đã viết xong bài “Cuộc chiến tranh thần thánh” (lời V.Lebedev-Kumach). Bài hát khi đó nhanh chóng trở thành bài ca chính thức của các chiến sĩ Hồng quân trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại kéo dài 1.418 ngày đêm ở hầu hết các mặt trận. Bài hát với âm hưởng hào hùng, lời ca đầy nhiệt huyết và tràn ngập lòng yêu nước. Nhiều người cho rằng bài hát đã góp phần không nhỏ trong việc kìm chân 200 sư đoàn phátxít Đức: “Vùng lên đất nước xiết bao vĩ đại/ Hãy đứng lên trong trận chiến này, diệt phátxít hung tàn/ Những đội quân dã man dơ bẩn/ Hãy để lòng căm hờn như sóng trào dâng trong cuộc chiến tranh nhân dân/ Cuộc chiến tranh thần thánh... Ta với kẻ thù như hai thái cực/ Vì ta yêu hòa bình, chúng là những bóng đen tội ác...”. Ở đầu cầu Mátxcơva, một lần nữa sau 70 năm, bài hát này được vang lên bởi dàn hợp xướng của Dàn nhạc Trung ương Bộ Quốc phòng Nga.

Mặc dù trước đó, tổng đạo diễn chương trình Lại Văn Sâm khẳng định: “Cầu truyền hình “Bài ca chiến thắng” không phải là một chương trình chính luận tái hiện lịch sử, mà là một chương trình nghệ thuật đặc sắc”, nhưng những gì diễn ra đêm 31.10 thực sự là một cuốn nhật ký chiến tranh làm sống lại những khoảnh khắc hào hùng của nhân dân Xôviết thông qua những bài hát Nga, giai điệu Nga... và cũng chính vì thế nó chuyển tải được tình cảm của người Nga, tính cách và tâm hồn của người Nga và nó lý giải tại sao người Nga lại chiến thắng trong cuộc chiến tàn khốc ấy. Những người làm chương trình đã khéo léo điểm lại những mốc lịch sử trong cuộc chiến, bắt đầu từ cuộc duyệt binh lớn nhất và đặc biệt nhất trong lịch sử thế giới đã diễn ra trên Quảng trường Đỏ (Mátxcơva) cách đây 70 năm với sự tham gia không những của quân đội chính quy của Liên Xô, mà còn có các binh lính tình nguyện của nhiều nước đang sống ở Nga, trong đó có cả 11 người VN và sau khi diễu binh, đoàn quân đã tiến thẳng ra các mặt trận, bắt đầu cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của người Nga và cũng là cuộc Thế chiến thứ II.

Các đại biểu đầu cầu Hà Nội cùng hát vang bài “Cuộc chiến tranh thần thánh”.     Ảnh: G.H

Các đại biểu đầu cầu Hà Nội cùng hát vang bài
“Cuộc chiến tranh thần thánh”. Ảnh: G.H

Các dấu ấn tiêu biểu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy đã được điểm lại: Năm 1941 là trận chiến phòng thủ nước Nga; năm 1942 là trận Stalingrat; năm 1943 là trận chiến xe tăng ở vành đai Kursk; Năm 1944: Giải phóng Leningrat sau 900 ngày đêm bị phong tỏa. Đi cùng với nó là những câu chuyện cảm động về tình yêu, sự mất mát, niềm tự hào về đất nước. Có lẽ đây là lần đầu tiên, câu chuyện của chị Lê Thị Phượng kể về cha mình là ông Lý Phú San (bí danh Bác Hồ đặt cho các thiếu sinh quân sang học ở Nga) - một trong 11 người VN có mặt trong cuộc duyệt binh lịch sử ấy - được nhiều người biết đến. Cuốn nhật ký của cô bé Tanya (11 tuổi) ở thành phố Leningrat như một vết cứa vào trái tim của mỗi người, nó nhắc nhớ về điều dã man nhất mà mỗi cuộc chiến đem lại: Sự mất mát người thân: “Ngày... bác Valia chết; ngày... cô Kachia chết; ngày... mẹ thân yêu chết... Tất cả người nhà Savichenya đã chết, tất cả mọi người đã chết, chỉ còn mỗi Tanya...”. Cuốn nhật ký dừng lại ở trang đó và sau chiến tranh người ta cũng không tìm thấy chủ nhân của cuốn nhật ký ấy ở đâu...

Tất cả các sự kiện, các câu chuyện ấy được đánh thức trong một không gian âm nhạc Nga đã làm nên một đêm cầu truyền hình thực sự cảm động và nó như một lời tri ân đối với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của người Nga, bởi sự hy sinh của người Nga trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt của cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

70 năm sau ngày chiến thắng vĩ đại của nhân dân Nga, sau hơn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược Việt Nam-Nga ngày càng được củng cố, phát triển và đi vào chiều sâu, phát triển rất năng động trên mọi cấp độ. Ưu tiên hàng đầu của hai nước là đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều từ 2,4 tỉ USD năm 2010 lên 3 tỉ USD vào năm 2012 và 10 tỉ USD vào năm 2020 trong đó có mở rộng hợp tác về năng lượng, dầu khí với việc hai bên ký kết Hiệp định liên chính phủ về việc gia hạn hoạt động của Xí nghiệp liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro thêm 20 năm nữa và tiến tới kỷ niệm 30 năm thành lập Vietsovpetro trong năm nay.   

Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất