Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 1/8/2008 14:28'(GMT+7)

Hà Nội mới chính thức hoạt động

Toàn cảnh khai mạc kỳ họp hợp nhất HĐND Thành phố Hà Nội và Tỉnh Hà Tây. Ảnh Thanh Hải

Toàn cảnh khai mạc kỳ họp hợp nhất HĐND Thành phố Hà Nội và Tỉnh Hà Tây. Ảnh Thanh Hải

Nội dung quan trọng nhất của kỳ họp hợp nhất này là tiến hành bầu các chức danh HĐND, UBND Thành phố Hà Nội, xem xét và thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của Thành phố Hà Nội 5 tháng cuối năm 2008; nghị quyết về dự toán thu, chi ngân sách của Thành phố Hà Nội năm 2008, nhiệm vụ và giải pháp điều hành tài chính ngân sách 5 tháng cuối năm 2008; nghị quyết về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2008 của Thành phố Hà Nội.

Mở đầu phiên họp sáng nay, các đại biểu HĐND đã nghe Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Kể từ hôm nay, 1/8, địa giới hành chính thủ đô Hà Nội bao gồm: thành phố Hà Nội hiện tại, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với diện tích hơn 3.300 km2 và dân số gần 6,3 triệu người.

Tiếp đó, các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội và Tỉnh Hà Tây (cũ) đã thông qua Nghị quyết về danh sách đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội. Theo đó, HĐND Thành phố sẽ có 164 đại biểu, chia làm 29 tổ đại biểu, trong đó tổ đông nhất là tổ Ba Đình với 10 đại biểu, tiếp đó là các tổ Chương Mỹ và Hai Bà Trưng với 9 đại biểu.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của kỳ họp hợp nhất HĐND Thành phố Hà Nội và Tỉnh Hà Tây (cũ). Đây là sự kiện quan trọng, là dấu mốc đáng nhớ và là vinh dự của các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội và Tỉnh Hà Tây (cũ).

Góp ý với kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý 3 vấn đề. Thứ nhất, trong lịch sử phát triển của mình, Hà Nội đã có nhiều lần thay đổi địa giới hành chính nhưng đây là lần thay đổi có quy mô lớn nhất. Sự điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô lần này là do yêu cầu phát triển của đất nước và đã có quá trình chuẩn bị chặt chẽ, công phu, nghiêm túc. Đây là quyết định mang tính lịch sử, có tầm nhìn xa và có ý nghĩa với toàn dân tộc, tạo điều kiện cho Hà Nội, Hà Tây (cũ) và các tỉnh lân cận phát triển. Hà Nội mở rộng sẽ góp phần nâng Thủ đô lên tầm vóc mới, vừa giữ được những đặc trưng vốn có, vừa kế thừa, phát huy những thế mạnh mà các địa phương được hợp nhất mang lại.

Thứ hai, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một chủ trương đúng nhưng việc thực hiện không hề đơn giản, dễ dàng, đòi hỏi phải có cách làm khoa học và sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô. Việc cần làm trước tiên của Hà Nội sau sáp nhập là ổn định tư tưởng chính trị, nhanh chóng sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy chính quyền để tạo ra sức mạnh mới, thực hiện quy hoạch Thủ đô gắn liền với quản lý quy hoạch... Bộ máy chính quyền Thành phố Hà Nội phải nâng cao tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, bất kỳ một tính toán riêng tư nào tại thời điểm này đều không có lợi cho sự nghiệp chung.

Thứ ba, Thành phố Hà Nội hiện đang có rất nhiều việc phải làm: vừa lo công tác hợp nhất, vừa thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về kiềm chế lạm phát, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, vừa tiếp tục các công việc chào mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Tuy nhiên, các yếu tố thuận lợi của Hà Nội vẫn là cơ bản. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân, Hà Nội mở rộng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa Thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, thành phố Vì hoà bình.

Khẳng định một lần nữa ý nghĩa quan trọng của việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội cũng như ý nghĩa của kỳ họp hợp nhất hôm nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội phát huy tinh thần trách nhiệm, bầu ra ban lãnh đạo Hà Nội đủ sức, đủ tài thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố trong điều kiện mới. Bí thư Thành ủy tin tưởng, bộ máy lãnh đạo mới sẽ tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của Thành phố, phấn đấu đạt sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao, góp phần hiệu quả cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát.

Song song đó, bộ máy lãnh đạo mới của Thành phố cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu tạo chuyển biến về mọi mặt; tiếp tục giữ gìn và xây dựng văn hóa người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đồng thời gìn giữ những truyền thống lâu đời của các địa phương sáp nhập; đẩy mạnh cải cách hành chính và công tác xã hội hóa, đấu tranh hiệu quả chống nạn tham nhũng, lãng phí...

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đề nghị bộ máy lãnh đạo Thành phố tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết TƯ7 của Đảng về thanh niên, trí thức, nông nghiệp, nông dân, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo điều kiện cho thanh niên, trí thức có điều kiện đóng góp cho Hà Nội, đồng thời phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cũng tại phiên họp sáng nay, các đại biểu HĐND Thành phố đã tiến hành bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên thường trực HĐND Thành phố Hà Nội. Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND Thành phố Hà Nội; Trưởng, Phó ban và thành viên các ban của HĐND Thành phố Hà Nội; Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, thư ký các kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội sẽ được hoàn thiện trong chiều nay.

PV-Theo Báo HàNội mới 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất