Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 31/7/2008 21:25'(GMT+7)

Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cả 2 cương vị Đại diện quốc gia và Chủ tịch HĐBA

Đại sứ Lê Lương Minh trả lời phóng vấn báo chí quốc tế - Ảnh: Bùi Ngọc Hải

Đại sứ Lê Lương Minh trả lời phóng vấn báo chí quốc tế - Ảnh: Bùi Ngọc Hải

    Hoạt động trên cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA

    Đánh giá về công việc của HĐBA và sự tham gia của Việt Nam trong tháng 7, Đại sứ Lê Lương Minh cho biết, công việc tháng 7 năm nay của HĐBA nặng hơn bất cứ tháng nào từ đầu năm kể từ khi Việt Nam tham gia HĐBA, nếu nói cả về khối lượng lẫn mức độ phức tạp.

    Trong tháng, HĐBA đã thảo luận và thương lượng về một loạt vấn đề định kỳ, thường xuyên liên quan đến hoạt động của các phái bộ của LHQ tại Bờ biển Ngà, Cộng hòa Trung Phi và Sát, Tây Phi, Sudan bao gồm cả Dafur, Eritrea và Ethiopia, Georgia, Kosovo, Afghanistan và Nepal. Trong tháng 7, Chủ tịch HĐBA phải hoàn thành báo cáo về công việc của Hội đồng một năm qua kể từ 01/8/2007 để đệ trình Đại hội đồng LHQ xem xét tại khóa họp thường niên sắp tới của Đại hội đồng. Ngoài ra, trong tháng 7 năm nay, theo yêu cầu của một số nước thành viên, HĐBA đã phải xử lý một số vấn đề đột xuất như tình hình bất ổn định, gia tăng bạo lực tại Zimbabwe, tình hình Myanmar. Việt Nam cùng nhiều thành viên HĐBA chia sẻ quan điểm cho rằng tình hình Zimbabwe, tình hình Myanmar có một số yếu tố gây quan ngại nhưng không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, do vậy không thuộc thẩm quyền xử lý của HĐBA.

    Cũng trong tháng 7 năm nay, theo ý kiến của Việt Nam, HĐBA tổ chức 02 cuộc thảo luận mở quan trọng về vấn đề Trẻ em và Xung đột vũ trang và vấn đề Trung Đông.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên
thảo luận mở của HĐBA tại New York về Trẻ em và Xung đột vũ trang


    Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tháng 7, HĐBA họp 40 cuộc cấp Đại sứ, kể cả họp chính thức và tham vấn kín, thông qua 6 Nghị quyết, trong đó có các nghị quyết gia hạn sứ mệnh của các phái bộ của LHQ tại Bờ Biển Ngà, Dafur, Nepal, chấm dứt sứ mệnh của phái bộ LHQ tại Eritrea và Ethiopia và của Ủy ban trừng phạt về Rwanda, gia hạn thẩm quyền của các thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế về Rwanda.

    HĐBA cũng thông qua 3 Tuyên bố Chủ tịch về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang, về cuộc tấn công nhằm vào Phái bộ hỗn hợp của LHQ và Liên minh Châu Phi tại Dafur (UNAMID) và về tình hình Afghanistan; thông qua 5 Tuyên bố Báo chí lên án các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các cơ quan ngoại giao, dân thường, binh sĩ gìn giữ hòa bình và nhân viên LHQ cũng như nhân viên cứu trợ nhân đạo.

Điều phối hoạt động của HĐBA với những chủ trương, quan điểm nhất quán, được ủng hộ rộng rãi

    “Trên cả 2 cương vị là Đại diện quốc gia và Chủ tịch HĐBA tháng 7/2008, chúng ta đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định.

    Trên cương vị Đại diện quốc gia, trong việc tham gia xử lý các vấn đề nêu trên, Việt Nam thể hiện, bảo vệ quan điểm, lập trường nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta về việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Trong các vấn đề Zimbabwe, Kosovo, Myanmar, Việt Nam tiếp tục thể hiện và bảo vệ quan điểm được sự ủng hộ, đồng tình rộng rãi là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia, đề cao vai trò của các tổ chức khu vực, đề cao vai trò trung gian, hòa giải thay cho việc gây sức ép, sử dụng vũ lực. Việt Nam tiếp tục chủ trương hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp trừng phạt vì cho rằng các biện pháp trừng phạt khi được áp dụng không chính đáng và không cần thiết sẽ không góp phần cho việc tìm kiếm giải pháp mà chỉ gây khó khăn cho cuộc sống của nhân dân các nước, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ và trẻ em.

    Trong quan hệ với các nước thành viên khác của HĐBA, Việt Nam chủ trương thông qua trao đổi, tham vấn tăng cường hiểu biết lẫn nhau, gia tăng các điểm đồng thuận, thu hẹp khác biệt, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau. “Bảo vệ lập trường, lợi ích quốc gia, tạo dựng được quan hệ tin cậy, thẳng thắn với các nước là 2 điểm quan trọng nhất bảo đảm thành công của chúng ta với tư cách là một thành viên không thường trực có trách nhiệm của HĐBA LHQ,” Đại sứ Lê Lương Minh nhấn mạnh.

    Trên cương vị là Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã hoàn thành trách nhiệm điều phối mọi hoạt động của Hội đồng, từ lên chương trình làm việc, chuẩn bị kịch bản cho từng cuộc họp, xử lý các tình huống phát sinh, chủ trì các cuộc tham vấn, kể cả tham vấn toàn thể và tham vấn hẹp với một số thành viên về một số vấn đề có độ nhạy cảm, đảm bảo công việc của Hội đồng diễn ra đúng tiến độ, trên tinh thần xây dựng, tránh căng thẳng. Việc Việt Nam có sáng kiến tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề trẻ em và xung đột vũ trang, ra được Tuyên bố Chủ tịch do Việt Nam soạn thảo và chủ trì thương lượng với nội dung toàn diện, thiết thực; sáng kiến tổ chức phiên thảo luận mở về vấn đề Trung Đông là phiên thảo luận mở đầu tiên sau gần một năm gián đoạn; và sáng kiến tổ chức cuộc họp không chính thức lần đầu tiên của Chủ tịch HĐBA với các nước thành viên LHQ để lấy ý kiến đóng góp về việc xây dựng báo cáo hằng năm của HĐBA được các nước đánh giá cao. Cũng theo ý kiến của Việt Nam, lần đầu tiên, có thể trong tháng 8 tới, HĐBA sẽ tổ chức một phiên thảo luận mở bàn về phương pháp làm việc nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả công việc của Hội đồng.

    Việt Nam cũng rất quan tâm đến công tác truyền thông, thường xuyên tiếp xúc, thông tin cho báo chí quốc tế về công việc của HĐBA với 2 buổi họp báo chính thức và gần 20 cuộc tiếp xúc với báo chí quốc tế thông báo cho dư luận tình hình cập nhật về hoạt động của HĐBA. Việt Nam đồng thời chú trọng trao đổi thông tin với các nước, các tổ chức trong và ngoài LHQ, đặc biệt các tổ chức khu vực. Điều này được các nước, các tổ chức đánh giá cao, coi đó là thiết thực nhằm làm cho công việc của HĐBA sát với yêu cầu của tình hình thực địa và do vậy đảm bảo hiệu quả thiết thực.

    Đại sứ Lê Lương Minh nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa việc thực hiện tốt chức năng Đại diện quốc gia và cương vị Chủ tịch. “Ý nghĩa của việc hoàn thành “nghĩa vụ quốc tế” chỉ được bảo đảm và nhìn nhận khi qua việc thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” đó chúng ta bảo vệ tốt hơn quan điểm, lợi ích quốc gia. Mặt khác nếu bảo vệ quan điểm, lợi ích quốc gia theo cách để mất đi tính khách quan, không tôn trọng đúng mức quan điểm, cách đề cập có thể khác chúng ta nhưng là chính đáng theo quy định của thủ tục, chúng ta sẽ không có được sự ủng hộ cần thiết của các nước thành viên khác để có thể hoàn thành tốt trọng trách của mình,” Đại sứ kết luận.

Việt Nam đã chuẩn bị tốt để hoàn thành vai trò tại HĐBA

    Nói về nguyên nhân giúp Việt Nam đạt được những thành công bước đầu như vậy, Đại sứ Lê Lương Minh cho rằng đó là nhờ Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị tốt cả về nhân sự, kiến thức và học hỏi kinh nghiệm.

    Ngay từ khi trúng cử vào HĐBA tháng 10/2007, đồng thời với việc chuẩn bị tham gia công việc của Hội đồng, Việt Nam đã có lộ trình và sớm bắt tay vào việc chuẩn bị cho công tác tháng 7/2008 khi giữ chức Chủ tịch luân phiên. Cơ chế chỉ đạo của trong nước đối với cơ quan đại diện cũng như cơ chế thông tin, phối hợp giữa trong và ngoài nước, giữa các cơ quan đại diện ngoài nước, nhất là các cơ quan đại diện tại các địa bàn có xung đột đóng vai trò hết sức quan trọng. Đại sứ cho biết, trong việc tham gia xử lý các vấn đề quan trọng, có độ nhạy cảm cao như vấn đề hạt nhân của Iran, vấn đề Zimbabwe, vấn đề Myanmar cũng như vấn đề tranh chấp gữa Campuchia và Thái Lan vừa qua, Phái đoàn nhận được sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Lãnh đạo cấp cao. Việc Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trực tiếp điều hành cuộc thảo luận mở về chủ đề trẻ em và xung đột vũ trang với kết quả tích cực được các nước thành viên và dư luận đánh giá cao.

    Ngoài ra cũng phải kể đến hoạt động tích cực của các cơ quan truyền thông trong nước và tại địa bàn giúp nhân dân trong nước và dư luận quốc tế nắm bắt và ủng hộ công việc của Việt Nam tại HĐBA.

    Đại sứ Lê Lương Minh tin rằng, việc tích cực tham gia công việc của Hội đồng, tiếp tục trau dồi kiến thức và tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, sự quan tâm và chỉ đạo sát sao cuả Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp nhịp nhàng và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan sẽ là những nhân tố bảo đảm thành công của Việt Nam trong thời gian còn lại với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA và một lần nữa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng.


Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ

 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất