UBND TP. Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Tổng cục TDTT về việc xác nhận đăng cai Đại hội thể
thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 diễn ra vào năm 2021.
Theo trình tự, lẽ ra SEA Games 32 năm 2023 mới đến lượt Việt Nam đăng
cai nhưng do Ủy ban Olympic Campuchia đã xin phép cho Campuchia được
đăng cai SEA Games vào năm 2023 nên Việt Nam sẽ đăng cai sự kiện này sớm
hơn dự kiến.
Trao đổi với báo chí, ông Vương Bích Thắng, Tổng
cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết Tổng cục đã làm đề án tổ chức SEA
Games 31 trình lên Chính phủ. Trong đề án này, Hà Nội sẽ là địa điểm
chính đăng cai SEA Games 31 trên tinh thần không xây mới cơ sở vật chất
mà chủ yếu tận dụng hệ thống cơ sở vật chất sẵn có đồng thời nâng cấp,
sửa chữa một số công trình khác để đáp ứng điều kiện thi đấu.
Hà
Nội từng là địa điểm chính tổ chức SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể
thao trong nhà châu Á năm 2009 nên có đủ điều kiện để tổ chức SEA Games
31.
Trong
công văn xác nhận đăng cai SEA Games 31, Hà Nội cho biết sẽ khẩn trương
rà soát lại các công trình thể thao cũng như xem xét các nguồn thu chi
để nâng cấp, sửa chữa nếu cần. SEA Games 31 được dự kiến tổ chức vào
tháng 11 năm 2021 với 36 môn thi đấu.
Trước đây, khi Việt Nam
đứng trước khả năng lần thứ hai là chủ nhà Đại hội thể thao khu vực,
không chỉ giới chuyên môn, các nhà quản lý mà cả người hâm mộ trong cả
nước "đều nghĩ" đưa SEA Games về với TP.HCM. Lý do thì dễ hiểu, Hà Nội
đã đăng cai tổ chức kỳ SEA Games 22 cùng nhiều Đại hội thể thao quốc tế
lớn, trong khi TP.HCM - trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhất của cả nước
đang có xu hướng tụt lại do những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan
trong lĩnh vực TDTT.
Hơn thế, cùng với trào lưu phát triển chung
của thể thao khu vực, việc đưa SEA Games về "vùng sâu, vùng xa" nhằm
kích cầu phong trào phát triển, thì rõ ràng, tổ chức tại TP.HCM cũng
hoàn toàn phù hợp.
Chỉ có điều, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng
kinh tế toàn cầu nói chung và chính Việt Nam nói riêng vẫn chưa "hạ
nhiệt", cùng chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ về việc "không đầu
tư xây dựng mới từ nguồn ngân sách Nhà nước" đã khiến TP.HCM trở thành
"phương án hai" so với Hà Nội mà cũng theo lời phát biểu của lãnh đạo
ngành TDTT trên mặt báo là: "Tổ chức ở Hà Nội sẽ tiết kiệm hơn bởi nơi
đây đã có sẵn cơ sở vật chất, chỉ phải bảo dưỡng. Nếu tổ chức ở TP.HCM,
chúng ta sẽ phải xây dựng thêm rất nhiều như sân vận động đủ tiêu chuẩn,
trường bắn súng…”./.
(Theo: TTVH)