Tính cấp thiết của quy hoạch
Sau khi mở rộng về diện tích, dân số Hà Nội tăng gấp gần 2 lần, do đó diện tích đất dành cho giáo dục cũng đòi hỏi phải được tăng lên. Bên cạnh đó, thủ đô Hà Nội với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước, cần có những đòi hỏi cao hơn đối với GD&ĐT. Hiện, một số trường học trên địa bàn thành phố đã được xây dựng hoàn chỉnh, đạt chuẩn quốc gia; song số lượng các trường này không nhiều. Phần lớn các trường học thiếu cơ sở vật chất, thiếu phòng học đạt chuẩn, diện tích công cộng chưa đáp ứng như: sân chơi, phòng học nâng cao thể chất, phòng sinh hoạt chung…
Việc xác định hình ảnh trong tương lai của giáo dục thủ đô, xây dựng các chương trình hành động để đạt tới các mục tiêu chiến lược là hết sức cấp thiết. Đồng thời, nhằm tạo ra một lực lượng lao động có tri thức, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp sẽ giúp ngành GD&ĐT thủ đô làm rõ định hướng tương lai của ngành; đề ra các ưu tiên phát triển ngành; xây dựng và thực hiện điều chỉnh chiến lược có hiệu quả; đối phó với sự thay đổi; nâng cao chất lượng quản lý nội bộ ngành, xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục một cách hiệu quả; phát triển mối quan hệ với xã hội, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
Cùng với Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục, Quy hoạch mạng lưới trường học sẽ góp phần làm cơ sở để xây dựng hệ thống mạng lưới trường học ở Hà Nội hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có tri thức, có trình độ cao nhằm phù hợp cới các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội lâu dài của đất nước.
Mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục và xây dựng mạng lưới trường
Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phát triển hệ thống giáo dục cũng như xây dựng mạng lưới trường học đồng nghĩa với việc nâng cao nền giáo dục của thủ đô về quy mô lẫn chất lượng, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của cả nước, trong khu vực và quốc tế. Việc đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp nhằm đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa và đáp ứng nhu cầu học tập mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp. Đồng thời, quy hoạch cũng xác định rõ, bố trí quỹ đất dành cho hệ thống trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo.
Đối với bậc mầm non, mục tiêu đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt ít nhất 35%, trẻ mẫu giáo đạt 90%; 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới giáo dục mầm non, 80% cơ sở giáo dục mầm non ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục trẻ; tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%. Từ nay đến năm 2030, mục tiêu toàn thành phố xây dựng thêm 724 trường mầm non (bao gồm 500 trường công lập và 224 trường ngoài công lập); trong đó, mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập kiên cố.
Ở bậc tiểu học, duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020; tỷ lệ trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%; giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh/lớp vào năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020. Đồng thời, xây dựng thêm 234 trường tiểu học trong giai đoạn 2011-2030 bao gồm cả công lập và ngoài công lập; trong đó, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa; xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao.
Riêng cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, huy động thanh, thiếu niên đi học đúng độ tuổi đạt 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020; tỷ lệ trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%. Đến năm 2030, dự kiến xây thêm 108 trường trung học cơ sở và 112 trường trung học phổ thông. Riêng với hệ giáo dục từ xa đến năm 2020, huy động trên 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. Huy động trên 99% số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi ra học lớp xóa mù chữ. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và hoạt động tốt. Ngoài ra, thu hút 99,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa học trung học phổ thông vào học chương trình giáo dục thường xuyên; phấn đấu đến năm 2030, xây dựng 3 cơ sở giáo dục từ xa cấp thành phố…
Cổng TTĐT Hà Nội