Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã xác định cải thiện ô nhiễm môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu.
Hồ Thanh Nhàn nằm trong khuôn viên của Công viên Tuổi trẻ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng)
“Không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường,” tinh thần chỉ đạo này đã trở thành nguyên tắc trong quản lý, điều hành của nhiều địa phương trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Dưới áp lực ngày một lớn của biến đổi khí hậu, công tác gìn giữ và bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp bách của Việt Nam và là nhiệm vụ chung của nhân loại.
Riêng với Thủ đô Hà Nội, nhiệm vụ xử lý môi trường nước mặt, không khí, rác thải và chất thải là một trong những nội dung được cả chính quyền, người dân và du khách đặc biệt quan tâm, tích cực hưởng ứng.
Đối diện nhiều thách thức
Đánh giá về thực trạng môi trường Hà Nội hiện nay, không khó để có thể nhận thấy, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề vô cùng cấp bách về môi trường.
Đó là tình trạng ô nhiễm không khí (bụi và khí độc khu vực nội thành, các công trường xây dựng, khu vực làng nghề, khu công nghiệp, đốt rơm sau thu hoạch); ô nhiễm nước mặt trong các hồ đô thị, các sông và kênh thoát nước, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm môi trường tại các bãi rác; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn…
Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong những năm tới, Thành ủy Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đây thực sự là văn kiện quan trọng của lãnh đạo thành phố trong nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường của Thủ đô, theo đó, Hà Nội đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể như đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường; tận dụng các nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kĩ thuật về môi trường, khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã xác định cải thiện ô nhiễm môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu.
Làm sạch các dòng sông
Về vấn đề chất lượng các dòng sông, ngay trong nhiệm vụ quy hoạch, Hà Nội đã đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết ô nhiễm tại các dòng sông. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên khó khăn cho các hạng mục đầu tư, tiến độ thực hiện chưa như mong muốn.
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng cải tạo các con sông thoát khỏi ô nhiễm, ưu tiên những dự án cấp bách, quản lý chặt các nguồn xả thải tại sông, hồ…
Đáng chú ý, thành phố đang hợp tác chặt chẽ với một tập đoàn của Đức để đưa công nghệ vào xử lý ô nhiễm nguồn nước tại các sông, hồ và đã xử lý được trên 80%. Cùng đó, Hà Nội đang tiến hành nạo vét các hồ nội thành; cơ giới hóa việc thu gom, quét rác trên địa bàn...
Trước mắt, thành phố tập trung ưu tiên các dự án cải thiện chất lượng nước tại các hồ và xử lý tình trạng ô nhiễm nước tại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Cầu Bây…đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, bảo vệ môi trường và cảnh quan.
Thành phố sẽ điều chỉnh nâng cao độ mặt nước các sông, hồ đã được xử lý phù hợp thực tế để đảm bảo cảnh quan môi trường và phục vụ điều hòa cấp thoát nước tưới tiêu; thiết lập hành lang bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước mặt; nghiên cứu đề xuất các chương trình, dự án cải tạo, nâng cấp, xử lý và làm sạch nguồn nước, phục hồi môi trường các hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông đang bị cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng; tập trung các giải pháp làm "làm sống" lại dòng sông Tô Lịch và 3 dòng sông phía Tây thành phố gồm Sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai đồng bộ chương trình thu gom và xử lý nước thải trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn từ 2017-2020, các chương trình chống ngập, khơi thông dòng chảy tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích…
Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xử lý nước thải khu vực nội thành như Nhà máy xử lý nước thải Phú Thượng, Hồ Tây; dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Phú Diễn và Phú Đô lưu vực S1, S2, S3, S4…
Giải tỏa nỗi lo không khí bẩn
Theo thống kê, trong các năm gần đây, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 ở Thủ đô cao gần gấp 2 lần Thành phố Hồ Chí Minh.
Đứng trước thực trạng đó, Hà Nội đã ban hành những quy định chi tiết nhằm kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường không khí. Cụ thể, thành phố yêu cầu 100% các công trường xây dựng phải được che chắn và áp dụng các biện pháp giảm bụi; 100% cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có các giải pháp bảo vệ môi trường; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh khí thải phải trang bị và hoạt động thường xuyên thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
Một góc quận Đống Đa. (Ảnh: TTXVN)
Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung; giảm dần, tiến tới không sản xuất vật liệu nung theo lộ trình của Chính phủ; đồng thời, quy hoạch tập kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đá xẻ về khu tập trung và áp dụng các biện pháp, công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi.
Thành phố xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải mức 4, mức 5 trên địa bàn; xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông đồng bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm dần và xóa bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ…
Một trong những biện pháp thiết thực nhất, Hà Nội đã và đang tiếp tục phát động mạnh mẽ chiến dịch trồng cây xanh với chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn; quản lý việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong các vườn hoa, công viên, quảng trường, các tuyến đường, phố…
Nhờ những giải pháp tương đối đồng bộ và hiệu quả, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố đã dần được cải thiện, nhiều điểm quan trắc ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tốt. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí 4 tháng đầu năm 2018 đã có chuyển biến rõ rệt. Nhiều điểm quan trắc ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai. Từ các số liệu ghi nhận được ở 10 trạm quan trắc không khí của thành phố, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 đã giảm từ 1,5 đến 2 lần so với giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12/2017...
Tuy nhiên, chất lượng không khí ở Hà Nội chưa đồng đều tại các khu vực. Tại một số điểm quan trắc gần các trục đường giao thông, chỉ số nồng độ bụi vẫn có giai đoạn vượt quá tiêu chuẩn, chỉ số AQI của các điểm này thường xuyên ở mức trung bình và kém; đặc biệt là trạm Minh Khai (tại tuyến đường quốc lộ 32) và trạm Phạm Văn Đồng (tuyến đường Phạm Văn Đồng-cầu Thăng Long), do có lượng xe lưu thông rất lớn...
Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mặc dù thành phố đã đưa vào vận hành 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến quan trắc môi trường không khí từ năm 2016, song, số trạm quan trắc như vậy vẫn còn khá ít, chưa đại diện cho các khu vực.
Mục tiêu của Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư thêm 70 trạm quan trắc không khí nhằm đánh giá chất lượng không khí một cách toàn diện, chính xác hơn, làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành phố các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Với quyết tâm của lãnh đạo cao nhất thành phố, được thể hiện bằng những giải pháp tương đối đồng bộ, đem lại những hiệu quả bước đầu, hiện trạng môi trường của Thủ đô đang từng bước được kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên, chặng đường tiến đến cột mốc “một Thủ đô xanh” còn rất chông gai, đòi hỏi không chỉ có quyết tâm, nguồn lực mà quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân, doanh nghiệp chung tay vì mục tiêu xây dựng “Hà Nội an toàn, thân thiện và trong lành”./.
(TTXVN)