“Nắn” lộ trình 400 lượt xe khách
Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian
qua, Hà Nội cùng với Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh luồng tuyến vận
tải theo quy hoạch của Bộ và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, được
nhân dân ủng hộ.
“Việc nắn luồng tuyến đã được Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân
thành phố Hà Nội thống nhất để đảm bảo trật tự trong lĩnh vực vận tải
cũng như trật tự văn minh đô thị,” ông Hà cho hay.
Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận, hiện
vẫn còn 400 lượt xe khách tuyến cố định liên tỉnh quá cảnh Hà Nội (không
có điểm đầu-điểm cuối trên địa bàn Hà Nội), chủ yếu đi trên đường Pháp
Vân-Cầu Giẽ, Vành đai 3-Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 5 mới gây ra mật độ đông,
chủ xe dừng đỗ đón trả khách sai quy định, gây phức tạp về an toàn giao
thông.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải
điều chỉnh 400 lượt xe đi qua địa bàn thành phố, chủ yếu các hướng tuyến
từ phía Đông và Đông Nam thành phố, đi đến Vành đai 3 sẽ không rẽ trái
về bến xe Mỹ Đình mà rẽ phải đi qua Thanh Trì, qua Quốc lộ 5 kéo dài lên
phía Bắc và Tây Bắc.
Ngoài ra, một số tuyến xe đi từ bến xe Sơn Tây có lộ trình đi về phía
Nam và Đông Nam thành phố, thay vì đi theo Quốc lộ 32 đi bến xe Mỹ Đình
lên Vành đai 3, sang Quốc lộ 5, Quốc lộ 1 đề nghị điều chỉnh đi theo
đường mòn Hồ Chí Minh.
Đề cập đến việc Hà Nội đã điều chỉnh luồng tuyến rầm rộ vào năm 2017 làm
cho một số bến xe và đơn vị vận tải vắng khách, theo ông Hà, thời gian
qua có hiện tượng các bến xe vắng khách và phát sinh tình huống các
doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của cơ quan quản lý Nhà nước lại
chịu thiệt thòi.
“Sở đã tiến hành kiểm tra phát hiện có tình trạng các phương tiện xe hợp
đồng nhưng lại hoạt động đón trả khách sai quy định, hoạt động không
đúng bản chất xe hợp đồng mà hoạt động như xe khách tuyến cố định đồng
thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bám chắc địa bàn, khu vực lộn xộn,
lập bến cóc phải xử lý nghiêm,” ông Hà khẳng định.
Thừa nhận tình trạng “xe dù, bến cóc”, nở rộ xe hợp đồng “đội lốt” xe
khách vẫn chưa được giải quyết triệt để, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải
Hà Nội chỉ ra nguyên nhân là do lượng xe quá nhiều, mà nhu cầu của người
dân là có thực nên vẫn còn tồn tại kéo dài dù lực lượng chức năng đã
nhiều lần ra quân, xử phạt, thậm chí thu hồi phù hiệu doanh nghiệp vận
tải.
Quản xe Limousine “núp bóng” xe khách
Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc quản lý hoạt động các
doanh nghiệp tham gia loại hình vận tải này, vừa qua Bộ Giao thông Vận
tải đã xây dựng dự thảo điều chỉnh, bổ sung một số điều thay thế Nghị
định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh
doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó cũng có những quy định cụ thể, siết
chặt hơn nữa hoạt động xe chở khách hợp đồng này.
Xe dù, bến cóc đã khiến các nhà xe tuyến cố định rơi vào cảnh lao đao khi không có khách trên xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86 này, về kinh doanh vận tải hành khách
theo hợp đồng, du lịch, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng các quy định để
quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
và xe du lịch như cho phép sử dụng hợp đồng điện tử; trước khi thực hiện
hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các
thông tin liên quan đến chuyến đi.
Đặc biệt, xe trước khi chạy phải ký kết với nhau 1 hợp đồng, và chỉ được
1 hợp đồng cho cả chuyến xe, chứ không được ký nhiều hợp đồng. Trước
đây, quy định xe 10 chỗ trở lên trước khi thực hiện phải thông báo về Sở
Giao thông Vận tải qua hộp thư điện tử những thông số về hành trình cơ
bản để quản lý, thì nay hạ xuống những xe từ 8 chỗ trở lên đã phải thông
báo về hoạt động này. Xe hợp đồng không theo tuyến cố định thì không
thể nào ngày nào cũng chạy từ điểm A đến điểm B theo tuyến cố định.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 lần này chú trọng đưa về địa
phương giám sát quản lý. Các Sở Giao thông Vận tải sẽ có kế hoạch giao
chính quyền địa phương xác định điểm dừng đỗ, diện tích, thời gian dừng
ra sao…/.
Việt Hùng (Vietnam+)