Thứ Sáu, 11/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 3/10/2014 20:54'(GMT+7)

Hà Nội: Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 3/10, tại Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "60 năm Giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển".  Đây là một điểm nhấn trong chuỗi sự kiện trọng đại kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2014).

Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy và hơn 300 nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của Trung ương và Thủ đô cùng đại diện 5 tổ chức quốc tế gắn bó mật thiết Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: Trong những ngày Thủ đô Hà Nội cùng cả nước sôi nổi chào mừng kỷ niệm 60 Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014), Hội thảo “60 năm giải phóng thủ đô – thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, là dịp để nhìn lại quá trình lịch sử 60 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển; nhận định rõ nét hơn cơ hội, thách thức trong tình hình mới, những bài học kinh nghiệm, phương hướng để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, qua 60 năm xây dựng và phát triển, thế và lực của Thủ đô lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Từ một TP nhỏ bé, lạc hậu khi mới giải phóng, có diện tích khoảng 152km2 với 43 vạn dân; nay đã trở thành một đô thị rộng lớn, ngày càng khang trang, hiện đại; với diện tích 3.328km2, dân số hơn 7 triệu người. Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm những nguồn lực và tiềm năng phát triển cả về đất đai và nguồn lực, vị thế quốc phòng, an ninh, về bản sắc, truyền thống văn hóa.

Tuy nhiên, Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức, tốc độ đô thị hóa làm tăng nhanh dân số, các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế còn kém, văn hóa xã hội phát triển chưa xứng đáng với thủ đô nghìn năm văn hiến. Tình hình mới đòi hỏi Hà Nội không ngừng vươn lên để xây dựng thủ đô xứng tầm, theo Hiến pháp, Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế xã hội, văn hóa, khoa học của cả nước.

Vì vậy, cùng với sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Thành phố luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học. Phát huy kết quả của các hội thảo trước đó như: Hội thảo 50 năm giải phóng Thủ đô (2004), Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình (2010), lãnh đạo thành phố mong muốn các nhà khoa học, các đại biểu dự hội thảo tiếp tục dành tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của mình đóng góp với Thủ đô những vấn đề Hội thảo đặt ra để thành phố Hà Nội phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý báu đã qua, chỉ ra được những nhiệm vụ yêu cầu, phương hướng xây dựng và phát triển trong giai đoạn tới; hạn chế, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đang tồn tại. Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng, lâu dài, đó là phát huy tiềm lực trí tuệ, khoa học của Thủ đô và cả nước.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 70 tham luận của các nhà khoa học thuộc nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan văn hóa, khoa học, kỹ thuật, trong đó có những giáo sư hàng đầu của đất nước như GS Vũ Khiêu, GS Phan Huy Lê và cả sự hưởng ứng rất tích cực, trách nhiệm của các tổ chức quốc tế. Hơn 70 tham luận được đánh giá cao về chất lượng, tập trung vào 2 nhóm chủ đề chính: 60 năm xây dựng và bảo vệ Thủ đô - Những thành tựu và bài học kinh nghiệm; thời cơ và thách thức trên con đường hội nhập, phát triển của Thủ đô. Từ 2 nhóm chủ đề này, các tham luận tập trung vào 4 nhóm đề tài: Lịch sử - chính trị; văn hóa - xã hội; kinh tế - đối ngoại; quy hoạch, phát triển đô thị.

 

Các tác giả đã nghiên cứu Hà Nội 60 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, góc độ nào cũng tính đến đặc trưng riêng của Thủ đô ở từng chặng đường phát triển trong sự vận động của cách mạng cả nước, cũng như trong bối cảnh khu vực, quốc tế. Mỗi tham luận vừa thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, bày tỏ tình cảm yêu mến, gắn bó với Thủ đô, vừa nêu được những thành tựu nổi bật, những khó khăn, thách thức, cả sự sai lầm, vấp váp mà Hà Nội đã vượt qua, rút ra những bài học cho hiện tại và sự phát triển tương lai của thành phố. Các nhà khoa học đã vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm lịch sử cụ thể và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cái chung - cái riêng, cái đặc thù - cái phổ biến, mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển để chỉ ra chân dung và bản chất quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô. Tất cả tham luận đặt ra và giải quyết dù ở mức độ khác nhau, song đã có những nhận thức mới về sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, từ đó đưa ra những kiến giải khoa học về sự phát triển bền vững của Thủ đô trong thời gian tới.

Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Thủ đô đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc, mất cân đối ngày càng lớn. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến quá trình dịch cư từ nông thôn và các tỉnh lân cận đến Hà Nội, làm cho khu vực trung tâm không thể kiểm soát nổi, phá vỡ quy mô dân số đã dự báo. Đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến tình trạng kẹt xe, úng ngập, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nguồn nước. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội chưa vững chắc để đảm bảo phát triển bền vững. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng lại tập trung trong khu vực nội thành, diện tích đất quá thấp so với tiêu chuẩn, thiếu chỗ cho sinh viên học tập, rèn luyện thể chất.

Ông Vũ Quốc Bình, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng: Hà Nội chú trọng xây dựng nhiều đô thị hiện đại song thiếu sự đồng bộ trong kiến trúc và quy hoạch, không cân đối với giáo dục, văn hóa, y tế. Bên cạnh đó, những công trình xây dựng không phép, hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng siêu méo làm ảnh hưởng kiến trúc đô thị. 

Bà Katherine Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Thành phố cần khai thác nhiều hơn các giá trị của văn hóa, di sản để nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách và người dân. Bà cũng nhận xét Hà Nội là một thành phố hơn 1.000 năm tuổi, có rất nhiều điểm thu hút du khách, cảnh quan độc đáo, hồ nước đẹp. Tuy nhiên, đây cũng là thành phố có lượng ôtô và xe máy lớn, ùn tắc giao thông trở thành phổ biến, ô nhiễm môi trường gia tăng. Thách thức hàng đầu của Hà Nội là việc cân bằng bền vững giữa phát triển và di sản, giữa áp lực hiện đại hóa và nhu cầu của cư dân thủ đô.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tiếp thu những ý kiến, nội dung thảo luận, tham luận thẳng thắng, tâm huyết. Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ bổ sung vào công tác điều chỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý trong thời gian tới, với tinh thần phát huy truyền thống và thành tựu của 60 năm xây dựng phát triển Thủ đô, tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực phát huy tinh thần và khí thế của 60 năm này, tạo động lực phát triển nhanh và mạnh hơn nữa Thủ đô ngày càng to đẹp, khang trang, đàng hoàng hơn nữa như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tin yêu của cả nước./.

Duy Phong

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất