Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 1/10/2014 22:5'(GMT+7)

Vai trò công tác tập huấn trong thực hiện mô hình tuyên vận tại Lào Cai

Hoạt động của mô hình tuyên vận theo Đề án có yêu cầu rất cao và chặt chẽ từ trình độ cán bộ đến quy trình, nội dung, phương pháp, tổ chức lực lượng, v.v… thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động theo yêu cầu Đề án, công tác tập huấn, bồi dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Đổi mới cơ bản công tác tập huấn theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “hướng  về cơ sở”.

Xác định vai trò, vị trí công tác tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở, ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức tập huấn hàng năm cho đội ngũ cán bộ Ban tuyên vận, Tổ tuyên vận tại các địa phương thực hiện thí điểm. Công tác tập huấn cũng không ngừng được đổi mới nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong gần 03 năm thực hiện Đề án thí điểm mô hình tuyên vận, toàn tỉnh đã tổ chức được 125 lớp tập huấn cho trên 5.500 cán Ban tuyên vận cấp xã, Tổ tuyên vận cấp thôn, lãnh đạo và cán bộ Ban tuyên giáo, Ban dân vận các huyện ủy, thành ủy. Năm 2012, lớp tập huấn công tác tuyên vận đầu tiên được tổ chức 02 ngày tại tỉnh, toàn bộ học viên tại cấp huyện, xã, thôn thực hiện mô hình tuyên vận được triệu tập về tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức tập huấn cũng đã bộc lộ một số hạn chế, đó là nội dung tập huấn còn thiếu tính thực tiễn, chưa đi vào vấn đề “tác nghiệp” công tác tuyên vận, học viên phải đi lại xa, công tác quản lý lớp gặp nhiều khó khăn, tốn kém về kinh phí….

Từ kinh nghiệm tổ chức năm 2012, công tác tập huấn năm 2013, 2014 được đổi mới kịp thời theo phương châm “cầm tay chỉ việc” và “hướng mạnh về cơ sở”. Về nội dung, tài liệu tập huấn đã được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, đi vào những vấn đề cơ bản trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động như: Sự cần thiết ra đời mô hình tuyên vận; chức năng, nhiệm vụ của Ban tuyên vận, Tổ tuyên vận; chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Ban tuyên vận và các thành viên Ban tuyên vận; phương pháp thực hiện công tác tuyên vận thông qua 4 hình thức; phương pháp xây dựng kế hoạch, báo cáo hoạt động, thể thức xây dựng văn bản hành chính… Đổi mới công tác tổ chức tập huấn bằng việc giao các huyện ủy, thành ủy chủ trì thực hiện từ khâu triệu tập học viên, bố trí báo cáo viên giảng dạy, các điều kiện về trang thiết bị, hậu cần phục vụ, v.v... cấp tỉnh chỉ hỗ trợ về báo cáo viên đối với những địa phương không thể bố trí được báo cáo viên của huyện, biên soạn tài liệu, bố trí kinh phí, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác tập huấn. Việc mở lớp cũng được điều chỉnh từ mở tại tỉnh đến mở tại cấp huyện, xã. Trong 125 lớp đã thực hiện chỉ có 02 lớp tổ chức tại tỉnh, hầu hết các lớp còn lại được mở ngay tại các xã hoặc cụm xã, một số ít lớp được mở tại cấp huyện.

Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cán bộ tuyên vận và hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở.

Từ hiệu quả tập huấn đã khắc phục được cơ bản tình trạng cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở không nắm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ; thiếu kỹ năng - phương pháp tổ chức tuyên truyền, vận động; không được trang bị thường xuyên, đầy đủ thông tin, nội dung phục vụ tuyên truyền, vận động. Góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.

Thông qua tập huấn và thực tiễn triển khai công tác tuyên vận, trình độ, năng lực cán bộ cơ sở được nâng lên rõ rệt so với trước khi thực hiện mô hình và những địa phương chưa thực hiện mô hình. Đặc biệt là năng lực tham mưu xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác tư tưởng, ứng dụng công nghệ thông tin, biên soạn tài liệu tuyên truyền, vận động và trực tiếp truyền đạt của đồng chí phó trưởng ban đã được nâng cao. Thực tế đã cho thấy, sau thời gian thực hiện Đề án tuyên vận, đến nay nhiều cán bộ là phó trưởng Ban tuyên vận đã được quy hoạch hoặc đã được bầu, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt tại xã như: Chủ tịch UBND, phó bí thư Đảng ủy, phó chủ tịch UBND.... Các thành viên tổ tuyên vận như bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận… được trang bị nhiều kiến thức, cập nhật tài liệu, thông tin thời sự, hoạt động chính thống, mang tính thống nhất cao; các kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động được nâng lên; đã chủ động, tích cực, tự tin hơn trong việc tiếp xúc và tuyên truyền, vận động nhân dân.

Nhờ cơ chế phân công thường xuyên đi cơ sở tổ chức, dự, kiểm tra công tác tập huấn cũng như hoạt động của mô hình tuyên vận, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, dân vận cấp tỉnh, huyện có điều kiện hướng mạnh về cơ sở với những nội dung thiết thực, cụ thể, gần gũi nhân dân, nắm chắc tình hình và có trách nhiệm cao trong giải quyết các vấn đề phát sinh một cách cụ thể, kịp thời, khắc phục cơ bản tình trạng quan liêu trước đây. 

Từ hiệu quả và sự đổi mới trong phương pháp và nội dung, công tác tập huấn tuyên vận không chỉ góp phần nâng cao năng lực, trình độ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động cũng như hoạt động của mô hình tuyên vận mà đã mở ra cách thức mới trong thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng nói chung trong toàn tỉnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở./.

Phùng Nam Trung

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất