Thứ Năm, 2/10/2014 9:37'(GMT+7)
Hải Dương: Công tác dư luận xã hội góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng
(TG)-Nghiên cứu, nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội (DLXH) là một nội dung cơ bản trong công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm thu thập, xử lý, cung cấp thông tin về tâm trạng, thái độ, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước những vấn đề xã hội với Đảng và Nhà nước, là cơ sở, điều kiện quan trọng để hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý xã hội trên cả phương diện khoa học và thực tiễn.
Nhiều kênh nắm bắt DLXH
Những năm qua, các cấp ủy Đảng đã nhận thức được về vị trí, vai trò, chức năng, tầm quan trọng của DLXH, quan tâm đáng kể tới công tác DLXH. Tỉnh Hải Dương đã xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác DLXH từ tỉnh tới cơ sở. Việc nắm và phản ánh DLXH được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất thông qua hệ thống Ban Tuyên giáo các cấp. Đồng thời phát huy ưu thế, sự đa dạng, đa chiều của các kênh, hình thức thông tin, phản hồi để nắm DLXH. Hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tham mưu việc dự báo, hướng dẫn nắm DLXH trên mọi lĩnh vực: kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng nhất là các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách mới, các vấn đề bức xúc trong nhân dân.... Trên cơ sở báo cáo của các ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổng hợp, phản ánh kịp thời lên Ban Tuyên giáo Trung ương và Thường trực Tỉnh uỷ Hải Dương.
Một nghiệp vụ công tác DLXH không kém phần hiệu quả là, hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức các cuộc điều tra DLXH bằng phiếu về các vấn đề mà nhân dân quan tâm phục vụ cho công tác lãnh đạo và quản lý. Tính từ năm 2006 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức 14 cuộc điều tra DLXH, mỗi cuộc điều tra có quy mô 1200-1600 phiếu. Kết quả các cuộc điều tra xã hội học đều được quan tâm sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao riêng một cuộc điều tra DLXH về sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, với quy mô 3000 phiếu, được đánh giá là cuộc điều tra lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc điều tra đã cho những kết quả khách quan, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhất là giai đoạn khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã linh hoạt triển khai việc nắm bắt, dự báo và định hướng DLXH thông qua các hoạt động công tác tuyên giáo có tính chất đặc thù, như: Thông qua chế độ giao ban báo chí thường kỳ, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua việc ký kết các chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp...
Góp phần định hướng tư tưởng
Kết quả công tác DLXH đã trở thành một trong những kênh thông tin khá quan trọng, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; góp phần tích cực vào việc định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, giải quyết những vấn đề nổi cộm phát sinh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội, tranh chấp đất đai, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Điển hình như việc tham gia giải quyết các điểm nổi cộm trên địa bàn tỉnh năm 2013 hay việc sớm định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của nước ta trong thời gian vừa qua...
Tuy nhiên, việc nắm bắt DLXH ở cơ sở của một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể hiện còn chưa sâu sát, một số vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được phản ánh và giải quyết kịp thời để tồn đọng kéo dài; thông tin DLXH thu được thường phiến diện, không rõ về mặt định lượng, dễ mang tính chủ quan; khâu dự báo trước những hiện tượng, sự kiện, vấn đề phức tạp nảy sinh còn yếu...
Những hạn chế, yếu kém trong công tác DLXH của tỉnh Hải Dương có nhiều nguyên nhân, trong đó, có những nguyên nhân chủ quan như: có cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể còn nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác DLXH. Nhiều cấp ủy còn khoán trắng công tác DLXH cho cơ quan chuyên môn là Ban Tuyên giáo. Vai trò tham mưu của cơ quan tuyên giáo các cấp có lúc, có nơi chưa chủ động, thiếu nhạy bén, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên làm công tác DLXH ở nhiều đơn vị hầu hết không có chuyên môn phù hợp. Tỉnh ta chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên (CTV) DLXH theo hệ thống từ tỉnh đến cơ sở một cách đồng bộ...
Trong giai đoạn hiện nay công tác tư tưởng đang đứng trước những yêu cầu mới. Bên cạnh những thuận lợi khó khăn chung bởi tác động của tình hình trong nước, thế giới, tỉnh Hải Dương có những thuận lợi, khó khăn mang tính đặc thù. Hải Dương đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, nhiệm vụ đặt ra là phải tiến hành triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến lợi ích của cả nhà nước, tập thể, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, nhất là những vấn đề thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình kinh tế, giải phóng mặt bằng để thực hiện CNH, HĐH, đô thị hóa...Thực tế, nhiều năm qua, ở tỉnh ta, việc triển khai các chương trình, dự án đã xảy ra những vấn đề về mặt tư tưởng tâm trạng DLXH, thậm chí là những bức xúc dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp, có nơi đã xảy ra sự phản ứng quyết liệt của người dân, phát sinh các điểm nổi cộm, điểm nóng...làm ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh. Sự chênh lệch về mức sống, điều kiện kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các khu vực; những bất cập, yếu kém trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức... đã ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý xã hội đòi hỏi phải kịp thời nắm bắt, giải quyết. Mặt khác, xu thế dân chủ, toàn cầu hóa sâu sắc trên mọi mặt của đời sống kinh tế- chính trị- văn hóa- xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học- công nghệ, của internet, sự xuất hiện và nở rộ nhiều ứng dụng đa phương tiện, báo điện tử, blog cá nhân, nhiều trang mạng xã hội ... đã tạo nên nhiều kênh thông tin đa chiều, đồng thuận đan xen với không đồng thuận, thậm chí trái chiều, gây khó khăn cho việc nắm bắt chính xác và định hướng DLXH theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, công tác DLXH cần phải được quan tâm một cách đúng mức, phải có những đổi mới từ việc nghiên cứu, cách thức nắm, xử lý thông tin DLXH tới việc hình thành mạng lưới CTV DLXH từ tỉnh tới cơ sở và nhất là cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với công tác DLXH. Phát huy vai trò của Ban Tuyên giáo các cấp trong tham mưu và triển khai công tác tư tưởng của Đảng, là cơ quan thường trực công tác DLXH, là đầu mối giúp cấp uỷ quản lý điều hành hoạt động của đội ngũ CTV DLXH; thường xuyên có các biện pháp nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức thực hiện triển khai công tác DLXH, trong đó chú trọng tổ chức hội nghị giao ban công tác DLXH theo định kỳ. Cần xây dựng được mạng lưới CTV DLXH từ tỉnh tới cơ sở (cấp tỉnh nên xây dựng cả CTV hoạt động công khai và CTV đơn tuyến hoạt động theo hình thức không công khai), có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, có quy chế hoạt động cụ thể và được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo hoạt động có chất lượng, hiệu quả.
Nguyễn Mạnh Thắng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương