Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 23/11/2014 21:3'(GMT+7)

Lâm Đồng: quan tâm, hỗ trợ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 9.764,7 km2 với 12 đơn vị hành chính (10 huyện, 02 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc), dân số trên 1,2 triệu người và 43 dân tộc anh em; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,6% (riêng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 17% dân số). Trong những năm qua, Lâm Đồng đặc biệt quan tâm chính sách giáo dục đào tạo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở theo tinh thần Nghị quyết số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng chính phủ, ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú và Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg, ngày 24/01/2013 “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ở xã đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, kịp thời động viên về mặt vật chất và tinh thần cho các em.

Tỉnh Lâm Đồng có 147 xã/phường/thị trấn với 211 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban dân tộc công nhận đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015. Trong đó khu vực I là khu vực kinh tế xã hội bước đầu phát triển tỉnh Lâm Đồng có 75 xã/phường/thị trấn; khu vực II là khu vực kinh tế xã hội tạm ổn tỉnh Lâm Đồng có 38 xã/phường/thị trấn; khu vực III là khu vực kinh tế - xã hội khó khăn hiện diện ở khắp 10 huyện của tỉnh ngoại trừ thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.

Là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế khá ấn tượng. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 13,4%, GDP bình quân đầu người 38,4 triệu đồng. Tuy vậy, Lâm Đồng vẫn còn 12.200 hộ nghèo (năm 2013). Đến cuối năm 2013, tỉnh còn xấp xỉ 1/5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo; còn 3.750 hộ nghèo cần được làm nhà ở, nhiều hộ nghèo không có tài sản đáng giá… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng học tập của các em học sinh. Số học sinh phổ thông thuộc các dân tộc ít người chiếm khoảng ¼ trong tổng số học sinh của toàn tỉnh. Năm 2013, số lượng học sinh dân tộc ít người tăng hơn 3.500 em so với năm 2012, xấp xỉ 6,2%. 

Để phần nào tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giúp con em họ có thể yên tâm học tập, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Đáng chú ý là Tờ trình số 2480 ngày 22/9/2014 của Sở Tài chính Lâm Đồng, đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở những vùng đặc biệt khó khăn với tổng khi phí 10.318,95 triệu đồng cho năm học 2014-2015. Tổng số học sinh được thụ hưởng trực tiếp từ chính sách hỗ trợ này là 1.994 em. Mức hỗ trợ cho các em là 575 ngàn/tháng trong suốt 9 tháng. Trong đó, hỗ trợ tiền ăn là 460 ngàn/tháng với kinh phí hỗ trợ là 8.255,6% triệu đồng với kinh phí hỗ trợ nhà ở là 115 ngàn/tháng với kinh phí hỗ trợ là 2.063,79 triệu đồng.

 Theo đó, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho 31.025 trẻ em mẫu giáo, độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi số tiền là 33.509,16 triệu đồng trong suốt 9 tháng. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú số tiền là 3.987,855 triệu đồng. Kinh phí hỗ trợ trường phổ thông dân tộc bán trú 49,65 triệu đồng. Tổng dự toán kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm học 2014-2015 là 37.546,665 triệu đồng.

Vài năm trở lại đây, chất lượng học tập ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chưa ngang bằng với các vùng khác của tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn. Ngoài các nguyên nhân như thiếu giáo viên,cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì điều kiện kinh tế quá khó khăn của cha mẹ học sinh là một thực tế không thể cải thiện tức thời. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh có thể nói là rất cần thiết và kịp thời góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích các em đến trường, từng bước nâng cao chất lượng học tập, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp các ngành sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo của tỉnh nhà, đặc biệt là những vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc sinh sống để đưa Lâm Đồng ngày càng phát triển vững mạnh, toàn diện.

Nhữ Thị Thu Dung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất