Thứ Sáu, 25/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 16/11/2016 21:51'(GMT+7)

Hà Nội thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo ngày 16/11

Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo ngày 16/11

* Tăng cường tuyên truyền kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam

Hướng tới kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XII (23/11/2005-23/11/2016) và thiết thực triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, Ban Tuyên giáo Thành ủy vừa ban hành Hướng dẫn số 20-HD/BTGTU về tuyên truyền công tác này.

Về nội dung, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của trung ương và thành phố về tu bổ, tôn tạo di tích, kiểm kê, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” gắn với chủ trương, thực tiễn phát triển du lịch địa phương.

Tuyên truyền về lịch sử, văn hóa của đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Giới thiệu di sản văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của Hà Nội; quảng bá những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của người Hà Nội thanh lịch văn minh nói riêng tới du khách và cộng đồng quốc tế.

Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của nhân dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tăng cường công tác định hướng kiểm tra, giám sát việc tu bổ di tích, tiếp nhận đồ thờ tự, tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng… trong không gian di sản văn hóa.

Về hình thức, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng thông tin… trên các báo, đài, bản tin, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn… Tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền trực quan, pano, áp phích, khẩu hiệu… tại khu vực di tích, không gian di sản văn hóa.

Tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề xoay quanh nội dung: Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút nguồn lực xã hội hóa… Tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu về các di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô đặc biệt cho học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ.

Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, ngành giáo dục có các hoạt động thiết thực trong đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên Thủ đô (gắn với việc bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của cộng đồng, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa).

* Nhiều hoạt động thiết thực diễn ra tại khu phố cổ Hà Nội

Chiều 16-11, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố các hoạt động chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Theo bà Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, từ 18-23/11, tại khu phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Các hoạt động này do Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với Ủy Ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội đồng thời tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa của ngày Di sản văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của người Hà Nội xưa.

Theo đó, các hoạt động văn hoá sẽ được diễn ra tại 4 điểm là những di sản văn hóa của Hà Nội như: Đồng Đình Lạc, Trung tâm Thông tin Phố cổ, Ngôi nhà di sản và Đình Kim Ngân.

Tại Đồng Đình Lạc, công chúng Thủ đô và du khách sẽ được xem giới thiệu y phục cung đình qua đôi bàn tay của nghệ nhân Vũ Giỏi, làng Quất Động, Thường Tín, Hà Nội. Qua đó, người dân sẽ hiểu hơn nỗi vất vả của nghề thêu cũng như cảm phục những đôi tay khéo léo, tài hoa và bộ óc tinh tế của những người thợ thêu Quất Động.

Còn tại Ngôi nhà di sản, các nghệ nhân làng nghề Đông Sơn, Thanh Hóa sẽ giới thiệu phục chế đồ đồng Đông Sơn. Ngoài việc tái hiện không gian sống, nếp sinh hoạt và không gian văn hóa của người Hà Nội xưa, khách tham quan còn được trò chuyện, tiếp xúc với những nghệ nhân này để hiểu rõ hơn về nền văn hóa Đông Sơn.

Du khách sẽ còn được dịp tìm hiểu về văn hóa làng qua những bức ảnh về cổng xưa của họa sĩ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương tại Đình Kim Ngân. Những chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu.

Ngoài ra, du khách cũng sẽ được thưởng thức vẻ thanh lịch, trang nhã, cầu kỳ trong ẩm thủy của người Hà thành qua hoạt động văn hóa Trà Việt tại Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội.


18/11: Khai mạc hoạt động chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam với chủ đề “Nét xưa” tại trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ.

18-20/11: Giới thiệu Nét văn hóa Trà Việt tại Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây.

18-20/11: Giới thiệu nghề Thêu truyền thống tại Đình Kim Ngân.

18-27/11: Giới thiệu về trang phục cung đình và các trang phục hầu đồng của Nghệ nhân Vũ Giỏi tại trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ.

18-27/11: Triển lãm giới thiệu về trang phục Hầu đồng và tọa đàm về văn hóa Đạo  Mẫu tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội. Trong đó, GS.TS Ngô Đức Thịnh có buổi tọa đàm giới thiệu về văn hóa đạo mẫu và trang phục trong giá đồng.

18-31/12: Triển lãm ảnh “Di sản văn hóa Việt” trên tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

 


Thu Hằng

 

 


 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất