Sau một thời gian nắm bắt dư luận xã hội và xây dựng quy chế, đa phần cả thực khách và người kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố đều ủng hộ việc ra đời quy chế này.
Thực tế, những quán “bún mắng”, “cháo chửi”, “ốc lắm mồm”, “phở chặt chém”… chỉ là những trường hợp cá biệt trong kinh doanh ăn uống đường phố tại Hà Nội. Dù nhiều thực khách vẫn chấp nhận ăn uống trong những quán như vậy, quán vẫn đông khách nhưng trên bình diện chung cách ứng xử của các chủ quán này vẫn gây bức xúc cho hầu hết người dân Thủ đô và du khách các nơi khác đến. Điều này làm ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của người Hà Nội.
Nhằm góp phần nâng cao hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng văn hóa ứng xử cho người dân, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu xây dựng một quy chế riêng dành cho hoạt động kinh doanh ăn uống đường phố với những nội dung cụ thể hơn, thiết thực hơn. Dù trước đó, thành phố đã xây dựng quy tắc ứng xử nơi công cộng trong đó có cả quy định trong kinh doanh nói chung.
Đối tượng áp dụng của quy chế không đơn giản như các đối tượng của quy tắc ứng xử công chức hay quy tắc ứng xử nơi công cộng nhưng thành phố vẫn quyết tâm thực hiện nhằm cải thiện hình ảnh những người kinh doanh ăn uống đường phố trong mắt người dân và du khách.
Quy chế “Tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” được ngành Văn hóa Thủ đô triển khai xây dựng từ đầu năm 2017, trên cơ sở phối hợp với các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Việc xây dựng quy chế được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, sâu rộng nhằm nhận diện chính xác thực trạng giao tiếp ứng xử trong kinh doanh đường phố, đồng thời đánh giá mức độ quan tâm và nhu cầu ban hành quy chế. Mục đích cuối cùng để xây dựng một quy chế mang tính thực tiễn cao, khi ban hành đạt hiệu quả cao trong cuộc sống.
Trong quá trình triển khai, những điều tưởng như khó nhất đã giảm bớt được phần nào khi hầu hết những người trong đối tượng điều tra xã hội học đều ủng hộ. Đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát điều tra đối với gần 1.000 người dân, 500 cơ sở kinh doanh với đủ mọi thành phần, từ người bán xôi, bán trà đá đến chủ cửa hàng, cửa hiệu về thói quen ăn uống, chấp hành kỷ cương, ứng xử văn hóa, nhu cầu cải thiện ứng xử…
Kết quả khảo sát thu được là rất tích cực, không chỉ người sử dụng dịch vụ mà cả người bán cũng ủng hộ với tỷ lệ cao. Hầu hết người được hỏi đều đồng thuận với những giải pháp đưa ra như: Lập website giám sát để chấm điểm các cửa hàng, cửa hiệu, cơ quan chức năng công bố công khai cửa hàng vi phạm theo từng quý; ban hành quy định phạt nặng, ký cam kết đầy đủ với các chủ cửa hàng… 80% người dân và gần 70% người kinh doanh đều tin tưởng vào quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố khi được ban hành và đó cũng là cơ sở tốt để quy chế có thể phát huy hiệu quả.
Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện xã hội học ứng dụng, đơn vị tư vấn xây dựng Quy chế “Tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” cho biết, những người xây dựng quy chế phải căn cứ vào tất cả các văn bản liên quan đến lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương, các quy định về quản lý trật tự đô thị, điều kiện kinh doanh, các quy định đặc thù của Hà Nội như Luật Thủ đô...
Việc xây dựng cần phải được cộng đồng chấp nhận, hiểu và duy trì thường xuyên nên quy chế đưa ra cần sát thực tiễn, ngôn từ giản dị, gần gũi, đặc biệt quy chế được cập nhận qua các năm, không nên đóng khung. Các quy định của lĩnh vực y tế, công thương hay nông nghiệp cũng cần phải mềm hóa trong quy chế.
Hiện nay, Quy chế “Tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” đã qua 6 lần được dự thảo với nhiều cuộc làm việc giữa Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các đơn vị liên quan. Dự thảo quy chế sẽ tiếp tục được sửa đổi sau khi lấy ý kiến của các quận, huyện, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể… trước khi trình lãnh đạo thành phố Hà Nội xem xét và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành.
Đinh Thị Thuận (TTXVN)