Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 14/6/2009 16:1'(GMT+7)

Hà Nội “tuyên chiến” với túi nilon

Ông Nguyễn Thành Lưu: “Mỗi tuần, một gia đình Hà Nội sử dụng hết gần 100 túi nilon, nhưng nếu sử dụng túi thân thiện môi trường mỗi năm họ chỉ cần hai chiếc”.

Ông Nguyễn Thành Lưu: “Mỗi tuần, một gia đình Hà Nội sử dụng hết gần 100 túi nilon, nhưng nếu sử dụng túi thân thiện môi trường mỗi năm họ chỉ cần hai chiếc”.


Theo tính toán nếu mỗi túi nilon trị giá trung bình 200 đồng thì với khoảng 800.000 gia đình Hà Nội (cũ) sẽ thải 9 triệu túi nilon/ngày, 270 triệu túi/tháng, 3,24 tỷ túi/năm tương ứng với số tiền bị lãng phí là 1,8 tỷ đồng/ngày, 54 tỷ đồng/tháng, 648 tỷ đồng/năm.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu (SCC) vào tháng 9 năm ngoái trên 200 khách hàng tại Hà Nội cho thấy, bình quân mỗi gia đình sử dụng 11,3 túi nilon/ngày do siêu thị, cửa hàng, người bán hàng cấp miễn phí. Đại bộ phận số túi này chỉ sau một lần sử dụng bị thải ra môi trường, không những gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn lãng phí tiền của của người dân và xã hội.

Đã có nhiều sáng kiến như thu gom tái chế, thay thế túi nilon bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, chế tạo túi nilon dễ phân hủy... tuy nhiên, những sáng kiến này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi bởi rất khó cạnh tranh với túi nilon vừa rẻ hơn rất nhiều (hợp với yêu cầu của nhà bán lẻ) lại tiện dụng (hợp với thói quen của người tiêu dùng).


Túi nilon khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu đã đề xuất giải pháp “thay thế và từng bước tiến tới loại trừ túi nilon ra khỏi đời sống”, bước đầu tiên tập trung vào hoạt động bán lẻ với cách tiếp cận 3W (Win-Win-Win): “cung cấp miễn phí cho mỗi hộ gia đình một bộ túi mua hàng đa năng, bền (dùng được trong một vài năm), tiện dụng và có gắn mã vạch (FSB).

Các siêu thị/cửa hàng đăng ký tham gia dự án sẽ quét mã vạch mỗi khi khách hàng mang túi đi mua hàng. Hàng quý hoặc hàng năm, căn cứ vào số tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm túi nilon các siêu thị/cửa hàng sẽ dành 50% để trả cho khách hàng dưới dạng giảm giá, tặng quà hoặc trả bằng hàng. Các túi mua hàng được thiết kế thuận tiện cho việc mua sắm hàng ngày.

“FSB là tài sản của dự án và sẽ bị thu hồi để chuyển cho gia đình khác sử dụng nếu gia đình được cấp túi không hoặc ít sử dụng theo yêu cầu đề ra của dự án”, ông Nguyễn Thành Lưu, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu cho biết.


Thói quen sử dụng túi nilon không dễ bỏ.

Theo ông Lưu, cách tiếp cận này mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng, nhà bán lẻ, và môi trường và hiệu quả kinh tế rất cao. Theo tính toán, để cung cấp bộ túi mua hàng FSB cho toàn bộ 800.000 gia đình ở Hà Nội cần số tiền khoảng 135 tỷ đồng (8 triệu USD) nhưng xã hội không phải chi 648 tỷ đồng (38 triệu USD) mua túi nilon tức là tiết kiệm cho xã hội 513 tỷ đồng/năm, và quan trọng hơn môi trường không còn bị đe dọa bởi túi nilon.

Với những giá trị và ý nghĩa sâu sắc về môi trường, xã hội và kinh tế, dự án “Giảm túi nilon trong hoạt động bán lẻ vì lợi ích người tiêu dùng, nhà bán lẻ, người lao động nghèo và môi trường” đã nhận được nhiều sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước như quỹ Ford, Global Compact Vietnam Network, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank), Công ty CP XNK Sản phẩm Xanh Việt Nam (VIEXAN)...

Dự án bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị từ tháng 3 với mục tiêu của giai đoạn 1 sẽ cắt giảm 100.000 túi nilon mỗi ngày trong hoạt động bán lẻ ở Hà Nội vào cuối năm 2009. Sau đó các giai đoạn mở rộng dự án tại Hà Nội và các thành phố khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... sẽ được triển khai nhằm mục tiêu cắt giảm 1 triệu túi nilon mỗi ngày trong hoạt động bán lẻ vào cuối năm 2011.

Ngày 13-6, Dự án chính thức khai trương và cấp phát túi mua hàng thân thiện (FSB) cho 10.000 hộ gia đình ở Hà Nội thông qua sự phối hợp lựa chọn khách hàng nhận túi của năm hệ thống siêu thị chính tại Hà Nội gồm Hapro, Fivimart, Bài Thơ Rosa, Hà Nội Star, TTTM Vân Hồ. Ông Lưu cho biết, các siêu thị lớn như Big C, Metro... cũng đã đăng ký và sẽ tham gia trong thời gian tới.

Tùy theo nhu cầu thực tế mỗi gia đình được nhận túi mua hàng thân thiện (FSB) gồm một túi lớn và một túi nhỏ. Ngoài ra, dự án khuyến nghị khách hàng sử dụng túi FSB của dự án kết hợp với bộ túi đựng thực phẩm ướt (thịt, cá...) bằng nilon an toàn cho sức khỏe, dùng nhiều lần, bền trong sáu tháng khi đi mua hàng.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thành công, dự án phải có sự tham gia tích cực của mỗi người dân trong việc giảm thiểu sự dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày.

Anh Vũ Xuân Hiếu, một trong 12 người đầu tiên được nhận túi FSB cho rằng, trước đây đã có quá nhiều phong trào phát động mọi người giảm sử dụng túi nilon, nhưng đây là dự án đầu tiên có hỗ trợ thiết thực để biến phong trào đó thành hành động thực sự.

Trong lễ khai trương, Câu lạc bộ Khách hàng xanh cũng được thành lập trên cơ sở các khách hàng nhận túi mua hàng thân thiện FSB để hỗ trợ khách hàng về thủ tục đăng ký, tiếp nhận và sử dụng FSB và các thông tin hướng dẫn thực hiện quyền lợi nghĩa vụ của thành viên sau khi được phát túi; tạo diễn đàn hữu ích để các thành viên chia sẻ, hỏi đáp về việc mua sắm, tiêu dùng sản phẩm xanh; và làm cầu nối giữa thành viên câu lạc bộ với các nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm xanh.../.

(Theo: Hồng Vân/Nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất