Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 4/6/2009 21:37'(GMT+7)

Việt Nam chú trọng giải quyết ô nhiễm khói mù xuyên biên giới

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị khẳng định: Hiện Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Song Việt Nam vẫn cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu.

Tại cuộc họp này, các địa biểu Ủy ban thường trực thực hiện hiệp định đã thảo luận, đề xuất, thống nhất tất cả các nội dung trong chương trình nghị sự, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhằm đạt được những bước tiến quan trọng trong việc hợp tác giữa các nước giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Các thành viên cam kết cùng nhau hợp tác trong việc triển khai và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và quan trắc ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy đất hoặc cháy rừng, nhằm kiểm soát các nguồn gây cháy. Bao gồm việc xác định các đám cháy, triển khai quan trắc, hệ thống đánh giá và cảnh báo sớm, trao đổi thông tin và công nghệ, cũng như cung cấp hỗ trợ lẫn nhau. Khi ô nhiễm khói mù xuyên biên giới bắt nguồn trong phạm vi lãnh thổ của mình, lập tức phản hồi yêu cầu về các thông tin hoặc ý kiến tư vấn liên quan cho một bên hoặc các bên có thể phải chịu tác động của ô nhiễm.

Tại Việt Nam, để thực hiện hiệu quả Hiệp định ASEAN, khắc phục triệt để tình trạng khói mù trong nước và xuyên biên giới, trong thời gian qua, nước ta đã rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, từ việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến việc tổ chức lực lượng, tăng cường các biện pháp cấp bách về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống cháy rừng từ Trung ương đến địa phương với hơn 20.000 nhóm bảo vệ rừng cộng đồng, 4.000 kiểm lâm viên hỗ trợ các địa phương, 11.000 trạm theo dõi.

Kể từ năm 2002, khi Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được thông qua, các nước ASEAN đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động khẩn cấp có hiệu quả, tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy rừng đã giảm căn bản; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Trong thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều hành động và biện pháp khác nhau, trong đó đã ứng dụng thành công công nghệ viễn thám để kiểm soát và giảm thiểu cháy rừng, góp phần quan trọng vào việc không ngừng nâng cao độ che phủ rừng trên toàn quốc, đồng thời cam kết tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trong vùng và trong khu vực, đặc biệt là với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất