Thứ Bảy, 27/7/2024

Hà Nội vững bước đi lên qua 65 năm giải phóng

Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Ngày 10-10-1954, Hà Nội được giải phóng khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp - mở ra trang sử hào hùng mới của Thủ đô và cả đất nước chúng ta. Sau ngày hòa bình lập lại, Thủ đô Hà Nội đã bước vào thời kỳ xây dựng từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh. Bên cạnh không khí hồ hởi, tưng bừng sau ngày giải phóng, Hà Nội gặp không ít khó khăn, thách thức không nhỏ do hậu quả của chế độ thực dân để lại. Nền công nghiệp nhỏ bé, manh mún không có gì đáng kể, cơ sở hạ tầng yếu kém. Những tệ nạn, tiêu cực của xã hội cũ rất nặng nề, hàng vạn người không có việc làm và không biết chữ. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để đưa Thủ đô từng bước phát triển.

Trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, năng động và sáng tạo. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cả Hà Nội sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước. Các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; “Ba sẵn sàng”; “Ba đảm đang” đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thủ đô và trở thành phong trào chung của các tầng lớp nhân dân cả nước; tập hợp, thôi thúc hàng triệu thanh niên miền Bắc lên đường vào Nam đánh Mỹ như nhà thơ Tố Hữu viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Thủ đô Hà Nội lập nên kỳ tích lịch sử bằng chiến thắng vang dội “Điện Biên Phủ trên không” đập tan kế hoạch tập kết chiến lược bằng B52 của Mỹ nhằm đưa Hà Nội “trở lại thời kỳ đồ đá”. Quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 25 pháo đài bay B52 và hàng chục máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút đội quân viễn chính về nước.

Trong thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay, Hà Nội đã đi đầu trong công cuộc tiến hành đổi mới đất nước. Đảng bộ Hà Nội thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của Thủ đô và giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Với phương châm “Hà Nội vì cả nước. Cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô đã mở rộng liên kết với các tỉnh, thành khác trong cả nước để thực hiện Hà Nội vừa là tấm gương, là mẫu hình, vừa là điều kiện và là động lực cho sự phát triển. Trên tinh thần đó, kinh tế của Thủ đô giai đoạn 2008-2017 liên tục tăng trưởng với mức độ cao, phát triển theo hướng bền vững (tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm; dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 8,54%/năm). Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự kiện tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010 được nhân dân cả nước, Việt kiều ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ca ngợi. An ninh - quốc phòng được tăng cường và giữ vững. Hệ thống chính trị của Thủ đô không ngừng lớn mạnh. Công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển. Hiện nay, Hà Nội hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ. Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế, trong đó có sự kiện cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều đầu năm 2019.

Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; Hà Nội nhất định bảo đảm vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả góp phần củng cố và tăng niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền Thành phố.

Đảng bộ Thành phố đang hướng đến chú trọng phát triển kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, phát triển văn hóa toàn diện và hài hòa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân thủ đô. Tích cực đổi mới nền kinh tế tăng trưởng gắn với cơ cấu kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Chú trọng hơn nữa phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của Thủ đô. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp… phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung xây dựng nền nông nghiệp đô thị đặc trưng, hiện đại, trong đó chú trọng công tác chế biến, xuất khẩu để gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 126-129 triệu đồng. Xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm dịch vụ tài chính hàng đầu của cả nước.

Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với văn hóa, gắn với tiếp thu các giá trị văn hóa, tinh hoa của nhân loại theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhất là với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan chính quyền theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các sự kiện của quốc gia và quốc tế. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” để đập tan mọi thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và phòng, chống “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ có hiệu quả trên địa bàn thủ dô.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, nhất là với những thủ đô, thành phố các nước, các tập đoàn lớn xuyên quốc gia sở hữu công nghệ nguồn trên các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch… mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết và giao lưu với các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Thành phố trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ Thành phố.

Phát huy hào khí của 65 năm Ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội tiếp tục đưa Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại./.

TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

_____________________________

(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 10/2019)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất