Nhà trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy định số 06-QĐi/TU ngày 23/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng.
TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Nhà trường đã tập trung làm tốt nhiệm vụ quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đã chỉ đạo các khoa chuyên môn chủ động xây dựng bộ đề thi và kiểm tra đối với các phần học, môn học do khoa đảm nhiệm để trình Hiệu trưởng phê duyệt, sử dụng cho các lớp học. Việc ra các đề thi và kiểm tra phản ánh đúng nội dung chương trình, phù hợp nhận thức tổng quát của học viên và những trọng tâm của môn học, phần học. Đồng thời, công tác xét điều kiện thi đã được phòng đào tạo phối hợp với các khoa chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm tiến hành nghiêm túc, đảm bảo khách quan để trình ban giám hiệu phê duyệt theo đúng quy định. Công tác quản lý lớp học các khoa, phòng, giáo viên chủ nhiệm lớp, giảng viên đứng lớp tiến hành điểm danh, quản lý học viên chặt chẽ, học viên nghỉ học đều có đơn xin phép. Công tác quản lý đào tạo được triển khai thực hiện theo đúng quy trình; công tác lưu trữ hồ sơ đào tạo, bồi dưỡng đi vào nền nếp.
Trong công tác giảng dạy, đội ngũ giảng viên đã tuân thủ nội dung chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; chương trình bồi dưỡng công chức của Bộ Nội vụ. Trong giảng dạy đã kết hợp giữa kiến thức lý luận và thực tiễn; chủ động cập nhật những thông tin mới từ Văn kiện Đại hội XII của Đảng, các Văn kiện Hội nghị Ban chấp hành Trung ương và các văn bản quy phạm pháp luật mới; đồng thời, áp dụng kết hợp giữa phương pháp thuyết trình và các phương pháp giảng dạy tích cực, qua đó, giúp học viên nghiên cứu, học tập thuận lợi và nắm được những nội dung cơ bản của chương trình học.
Định kỳ nhà trường đã triển khai thực hiện lấy phiếu đánh giá chất lượng giảng dạy từ người học theo quy định. Với 8 giảng viên được lấy phiếu, thì ý kiến của học viên cho thấy: Rất hài lòng đạt 61,4%; khá hài lòng đạt 28,4%; hài lòng 8,6%; không hài lòng là 1,6%; rất không hài lòng là 0%, đã cho thấy chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên của nhà trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người học. Trong phối hợp đào tạo, nhà trường mời giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy một số bài học, một số chuyên đề cho các lớp. Các giảng viên kiêm chức đã thực hiện đúng quy chế giảng viên; việc truyền đạt bám sát yêu cầu về nội dung và cung cấp thêm nhiều thông tin cũng như những kinh nghiệm thực tế trong những lĩnh vực mà nội dung báo cáo yêu cầu.
Trong quá trình tổ chức coi thi và kiểm tra, đội ngũ cán bộ, giảng viên được phân công thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành chu đáo, thực hiện theo đúng quy chế, nội quy thi; công tác thanh tra việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả được tiến hành thường xuyên. Cùng với đó, công tác chấm bài thi, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy trình, đảm bảo đánh giá đúng kết quả. Thời gian chấm và trả bài thi, bài kiểm tra về phòng đào tạo cơ bản đúng thời gian quy định.
Một trong những vấn đề được nhà trường chú trọng, góp phần vào những kết quả đã đạt được chính là việc phân công giảng viên làm chủ nhiệm các lớp học được thực hiện khoa học, phù hợp với trình độ của từng loại hình đào tạo, đối tượng học và theo đúng quy chế. Đối với các lớp học liên kết mở tại các huyện, thành phố, nhà trường đã mời các đồng chí là giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện làm đồng chủ nhiệm lớp để thuận lợi trong quá trình quản lý việc học tập và rèn luyện của học viên. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm lớp đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm là người giúp Ban Giám hiệu quản lý, điều hành lớp học, nắm tình hình học tập đã phối hợp với ban quản lý ký túc xá quản lý và rèn luyện của học viên học viên chặt chẽ; đồng thời, phối hợp với đào tạo, nghiên cứu khoa học tham mưu cho Ban Giám hiệu nhận xét đánh giá học tập, rèn luyện của học viên gửi về cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, số lớp được giao từ đầu năm 2019 theo kế hoạch do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng phê duyệt là 68 lớp, với 7.687 học viên, thì đã triển khai thực hiện được 39 lớp, với 3.003 học viên.
Trong đó, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao là 25 lớp, với 1.974 học viên; các lớp liên kết mở theo chủ trương của Ban Thường vụTỉnh ủy, UBND tỉnh là 12 lớp, với919 học viên; các lớp xã hội hóa là 2 lớp, với 110 học viên.
|
TỪNG BƯỚC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức 2 hội thảo khoa học cấp tỉnh; tổ chức 1 hội thảo khoa học cấp trường. Ngoài ra các giảng viên trường tham gia viết bài và dự các hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trường Chính trị tỉnh Gia Lai, Cụm thi đua số 7 và khối thi đua các trường chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Lạt tổ chức.
Định kỳ hằng tháng, nhà trường tổ chức 1 buổi thông tin khoa học, chuyên đề, thời sự liên quan đến các nội dung: Thông tin thời sự trong nước và quốc tế; kết tập huấn về công tác chuyên môn của các khoa, phòng; báo cáo kết qua đi nghiên cứu thực tế… Đồng thời, thực hiện quy chế giảng viên, quy chế hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại địa phương và ngoài tỉnh. Sau khi đi nghiên cứu thực tế các đoàn của các đơn vị đều có báo cáo kết quả đi nghiên cứu nhằm kịp thời rút kinh nghiệm những hạn chế đồng thời bổ sung những kiến thức thực tế và số liệu cụ thể vào bài giảng.
Bên cạnh đó, trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh theo quy định, nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong nội bộ nhà trường vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường cho các khâu công tác trọng yếu, vừa đào tạo, rèn luyện cán bộ. Cụ thể, trường đã cử cán bộ, giảng viên, chuyên viên theo học các khóa đào tạo gồm: cao học 4 người, đại học 2 người, trung cấp lý luận chính trị - hành chính 1 người, cao cấp lý luận chính trị 2 người; tham gia các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, các lớp tập huấn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ tổ chức. Thông qua đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của nhà trường tăng lên cả về số lượng và chất lượng; nhiều đồng chí có bằng đại học thứ 2 trở lên. Đội ngũ cán bộ giảng viên yêu nghề, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm khá vững vàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy; từng bước khắc phục sự thiếu hụt giảng viên ở một số môn học, nhất là một số phần học không có giảng viên chuyên ngành.
Hiện tại, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường là: Thạc sĩ 25 đồng chí (đang học Cao học 6 đồng chí); đại học 17 đồng chí (đang học đại học 2 đồng chí); trung cấp 3 đồng chí; chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ 5 đồng chí (tập trung bộ phận phục vụ và bảo vệ).
Trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường là: Cao cấp lý luận chính trị và tương đương 20 (đang học cao cấp 1 đồng chí); Trung cấp Lý luận chính trị 13 đồng chí (đang học Trung cấp 1 đồng chí).
|
Trong tổ chức, quản lý đào tạo, nhà trường đã có điều chỉnh linh hoạt hình thức tổ chức lớp học để phù hợp với người học và nhu cầu của các đơn vị cử người đi học. Chính vì vậy, chất lượng học tập, rèn luyện của học viên tiếp tục được nâng lên. Công tác chiêu sinh, sau khi có kế hoạch đào tạo, nhà trường làm các thủ tục chiêu sinh (thông báo chiêu sinh, duyệt sinh, thông báo nhập học,…) được thực hiện theo đúng quy chế, đảm bảo tiêu chuẩn, hồ sơ học đúng quy định. Đối với các lớp liên kết đào tạo, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mở lớp để tổ chức thực hiện theo đúng nội dung chương trình, kế hoạch giảng dạy; đảm bảo thời gian học tập, sĩ số lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Với các lớp do nhà trường trực tiếp giảng dạy, quy trình thực hiện được đảm bảo theo đúng quy định từ khâu xây dựng kế hoạch, chiêu sinh, duyệt sinh, thông báo nhập học, khai giảng lớp học, thành lập chi bộ, chi đoàn lớp học (đối với lớp chính quy).
Để triển khai thực hiện nội dung chương trình, nhà trường ban hành kế hoạch, lịch giảng dạy và học tập các phần học, đảm bảo đủ số tiết lên lớp, thảo luận, tự học, tự nghiên cứu theo đúng quy định. Việc điều chỉnh số tiết tự học, tự nghiên cứu, điều chỉnh lịch giảng dạy đều phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu. Đội ngũ giảng viên lên lớp cơ bản thực hiện theo đúng lịch giảng; việc thẩm định lịch giảng dạy, theo dõi quá trình giảng dạy và tình hình học tập của các lớp; thẩm định điều kiện kiểm tra, thi và tổ chức các kỳ kiểm tra, thi được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy chế. Công tác quản lý học tập, rèn luyện của học viên được thực hiên nghiêm túc, đúng quy định,v.v.. đã góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung C15 (2019-2020)
PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2019
Trong những tháng cuối năm, nhà trường phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học năm 2019 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, với các nội dung sau: 1) 100% cán bộ, viên chức hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 70% trở lên đạt viên chức hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 70% đạt danh hiệu lao động tiên tiến trở lên; 15% lao động tiên tiến đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, không có viên chức, người lao động vi phạm khuyết điểm bị kỷ luật từ khiển trách trở lên. 2) 100% công chức, viên chức, người lao động và học viên thực hiện tốt Quy định ứng xử văn hóa của trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng. 3) 70% tập thể đạt lao động tiên tiến, trong đó 30% các khoa, phòng đạt tập thể lao động xuất sắc. 4) Tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và UBND tỉnh tặng Bằng khen. 5) Thực hiện 3 đến 4 đề tài khoa học cấp trường và nhận 1 đề tài cấp tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, nhà trường cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục chủ động, sáng tạo và kịp thời đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở rộng các hình thức đào tạo, đa dạng hóa nội dung chương trình, đối tượng đào tạo; thực hiện đào tạo có mục tiêu, đào tạo theo yêu cầu để bổ sung, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh và các địa phương; thực hiện chiêu sinh đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo, cán bộ trẻ nhất thiết phải qua đào tạo tập trung.
Hai là, chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tăng cường đội ngũ cộng tác viên, giảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Duy trì các quy chế chuyên môn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, của trường; thực hiện tốt chế độ thao giảng, dự giờ để trao đổi chuyên môn, bổ sung kiến thức và hoàn thiện phương pháp sư phạm; phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tự giác, sự đoàn kết, nhất trí để thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm được giao.
Ba là, tiếp tục xây dựng kế hoạch tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh thuộc lĩnh vực được ưu tiên, đồng thời tổ chức triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học cấp trường đảm bảo chất lượng, thiết thực, gắn với chuyên môn và phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; phát hiện và đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh và tham dự các hội thảo, hội nghị thường kỳ, chuyên đề của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến nhiệm vụ của trường để tiếp cận thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, để góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tư liệu, thư viện của trường. Có kế hoạch bổ sung các trang thiết bị, các loại tài liệu, giáo trình đầy đủ và kịp thời; triển khai xây dựng thư viện điện tử kết nối thông tin với thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thư viện tỉnh để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên và học viên. Từng bước nâng cao chất lượng trang Website và Nội san của trường trên cơ sở xây dựng đội ngũ cộng tác viên, có cơ chế, chính sách để khuyến khích viết các tin; kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin, đăng tin và quy định cụ thể chế độ, chính sách phù hợp với các quy định hiện hành.
Năm là, thực hiện tuyển dụng giảng viên, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo khoa, phòng, giảng viên, chuyên viên về chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp tục sắp xếp, luân chuyển cán bộ các khoa, phòng để củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn tổ chức bộ máy hợp lý, tinh gọn; sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy chế hoạt động của cơ quan, quy chế về đào tạo và quản lý nội vụ cơ quan theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Tiếp tục cử cán bộ, viên chức đi đào tạo thạc sĩ theo các chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo; tổ chức cho giảng viên, chuyên viên, nhân viên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; tham gia các khóa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, tổng kết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Sáu là, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức trách của các khoa, phòng; đồng thời, phân công công việc một cách hợp lý; ưu tiên bồi dưỡng giảng viên, chuyên viên trẻ, giảng viên mới; tổ chức thông bài cho giảng viên tại khoa và hội đồng khoa học nhà trường định kỳ hằng tháng. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, giúp đỡ giảng viên trẻ, đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với thường xuyên tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng bài giảng; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên môn của bộ phận chức năng, tự kiểm tra của các phòng, khoa về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, về công tác tổ chức lao động và quản lý lao động.
Bảy là, phát huy và tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các phòng, khoa, ban quản lý ký túc xá, giáo viên chủ nhiệm lớp, tinh thần trách nhiệm của ban cán sự lớp trong việc phối hợp quản lý học viên trong học tập và ở tại khu ký túc xá. Chú trọng đến công tác giữ gìn trật tự, an toàn cơ quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, phòng học, phòng nghỉ ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cơ quan, góp phần xây dựng và phát triển nhà trường vững mạnh toàn diện trong năm 2019 và những năm tiếp theo./.
Ths. Bùi Thắng
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng