Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 11/12/2015 9:8'(GMT+7)

Hà Nội: xử lý dứt điểm mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 50 làng nghề

Trước mắt, thành phố bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Đồng thời, thành phố quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; x ây dựng kế hoạch triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; n ghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề ” và hoàn thành “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Phạm Văn Khánh cho biết : Từ năm 2016, thành phố sẽ xem xét đưa các điều kiện vệ bảo vệ môi trường đã được quy định là tiêu chí bắt buộc trong việc công nhận các làng nghề và coi công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề.

Do vậy, các đơn vị chức năng của thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu vực dân cư nông thôn. Công khai và cập nhật thường xuyên thông tin về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, nhất là những nơi vi phạm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thành phố còn đề ra các biện pháp khác như quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề; kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh và xử lý chất thải nguy hại từ khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc quản lý chất thải nguy hại trái với các quy định của pháp luật. Thành phố khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; triển khai thu các loại phí bảo vệ môi trường đối với các hộ, cơ sở trong làng nghề nhằm tạo nguồn thu cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải trên địa bàn. Công tác tăng cường giáo dục và tuyên truyền cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề. Kết quả quan trắc, phân tích chất lượng môi trường tại 22 làng nghề với tần suất 2 đợt/năm cho thấy h ầu hết các làng nghề mới tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt , chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn , có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có chỉ tiêu quan trắc vượt chỉ tiêu cho phép.

UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, song việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư , hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc kêu gọi, huy động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường cũng khó khăn.../.

Minh Nghĩa/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất