Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 11/12/2015 8:0'(GMT+7)

Việt Nam thấu hiểu nỗi khổ mà người dân phải chịu do chiến tranh

Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh minh họa. Nguyễn Thủy/TTXVN)

Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh minh họa. Nguyễn Thủy/TTXVN)

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Thành - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm trưởng đoàn.

Phát biểu tại phiên toàn thể ngày 9/12, Đại sứ Nguyễn Trung Thành bày tỏ đau lòng trước thực trạng mỗi buổi sáng khi thức dậy lại có những tin tức từ về các vụ đánh bom giết người, những vấn đề di cư do biến đổi khí hậu... Những thường dân, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em nạn nhân đang phải gánh chịu đau khổ. Những câu chuyện đời thực, những mẩu tin thời sự thể hiện qua màn hình nhỏ hàng ngày cho thấy các thách thức nhân đạo nghiêm trọng mà nhân loại đang phải đối mặt.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh ngược trở lại dòng thời gian của đất nước, Việt Nam đã trải nghiệm và thấu hiểu những đau khổ mà người dân phải hứng chịu do chiến tranh. Hình ảnh “Em bé Napalm” nạn nhân của bom napalm đã trở thành một biểu tượng gây ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình. Ngay cả khi chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, song những hậu quả dai dẳng vẫn tiếp tục gây ra đối với hàng chục vạn người dân Việt Nam. 

Theo Đại sứ, hơn bao giờ hết, cần có các cuộc đối thoại thường xuyên giữa các quốc gia, tăng cường sự tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là các Công ước Geneva năm 1949 và Nghị định thư bổ sung. Việt Nam cho rằng hội nghị quốc tế thể hiện vòng kết nối này nên tập trung vào việc thực hiện luật nhân đạo quốc tế (IHL) chủ yếu trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận và phi chính trị, hơn là đưa ra những sửa đổi hoặc các chuẩn mực mới cho các điều ước IHL hiện nay. 

Liên quan đến việc bảo vệ người bị tước đoạt quyền tự do, đoàn Việt Nam kêu gọi tiếp tục thảo luận để đạt được những tiến bộ hơn nữa nhằm bảo vệ pháp lý cho người bị tước đoạt quyền tự do trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế (NIAC), đặc biệt trong việc xác định một cách thận trọng cách đối xử với tù nhân trong NIAC trên cơ sở luật quốc tế.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề bạo lực tình dục và giới tính trong và sau các cuộc xung đột vũ trang, lên án bạo lực dưới mọi hình thức đối với phụ nữ, đặc biệt là các bé gái vốn phải chịu đựng nhiều đau khổ nhất trong và ngay cả sau các cuộc xung đột vũ trang. Việt Nam ủng hộ các biện pháp thiết thực để nâng cao nhận thức và xóa bỏ bạo lực tình dục và giới tính, thực sự tham gia nhiều chương trình khác nhau cả ở trong nước và quốc tế, phù hợp với Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh. 

Một trong những nội dung chính hội nghị quốc tế lần thứ 32 Hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế là thảo luận những vấn đề nhân đạo cấp bách nhất hiện nay trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên của các xung đột vũ trang có tính phức tạp gây ra nhiều đau khổ cho con người. 

Ra đời năm 1864 với Công ước Geneva đầu tiên, nhưng chỉ thực sự phát triển từ sau năm 1945, luật nhân đạo quốc tế dần trở nên phổ biến với việc thông qua bốn Công ước Geneva năm 1949 về xung đột vũ trang. 

Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Công hàm phê chuẩn cho Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập bốn Công ước Geneve về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Cũng trong năm 1957, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập Đỏ-Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất