Ngày 20/8, tại cuộc họp khắc phục hậu quả do cơn bão số 5 gây ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Công ty Công viên cây xanh và Sở Xây dựng rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh, nếu không đảm bảo phải tiến hành thay thế ngay.
Tại những đường phố mới, phải trồng những cây có rễ cọc, đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng quy định, đồng thời chuẩn bị đủ trang thiết bị để khắc phục ngay khi có cây đổ.
Để chủ động chống úng ngập đối với những trận mưa tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu địa hình, khoanh vùng để tiêu thoát nước cho khu vực phía Bắc Hà Nội một cách nhanh nhất, không chỉ tiêu thoát duy nhất về khu vực trạm bơm Yên Sở.
Tại những điểm đen úng ngập không thể thoát tự nhiên, cần chủ động máy móc, phương tiện để tiêu thoát khi có mưa lớn.
Việc bơm, tiêu úng cho khu vực nội thành phải đặt lên hàng đầu, khu vực ngoại thành cần tiếp tục kiên cố hóa kênh mương, nghiên cứu nâng công suất các trạm bơm tiêu.
Các ngành liên quan cần rà soát lại cơ chế vận hành các trạm bơm và đập Thanh Liệt, khẩn trương tiến hành nâng cấp trạm bơm Đông Mỹ bằng vốn ngân sách để tăng khả năng tiêu thoát cho khu vực nội thành.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh việc hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin nhằm đảm bảo an toàn trong mưa bão, an toàn thông tin và mỹ quan đô thị.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, cơn bão số 5 mặc dù không đi trực tiếp vào Hà Nội nhưng đã gây mưa kèm dông lớn, lượng mưa đo được là trên 170mm trong hai ngày, tương đương với lượng mưa thiết kế của hệ thống tiêu thoát nước thành phố.
Tuy nhiên, do nhiều công trình thoát nước chưa hoàn thiện, nên tình trạng ngập úng vẫn xảy ra, trong đó trên đường Phạm Hùng - khu vực tòa nhà Keangnam và Đuôi cá - Trương Định bị ngập sâu, tiêu thoát chậm.
Đặc biệt cơn bão này đã làm gãy đổ 180 cây xanh các loại, nhiều nhất trong những năm gần đây, trong đó phần lớn là các cây xà cừ, muồng và me. Cây xanh gãy đổ đã kéo theo thiệt hại cả về người và của, làm một người chết, 9 ôtô và 30 xe máy bị hư hỏng.
Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo thành lập tổ kỹ thuật làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố sụt lún nghiêm trọng trên đường trục phía bắc quận Hà Đông, đồng thời khẩn trương khắc phục sự cố, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ nguy hiểm nào đối với người dân.
Qua sự việc này, các sở, ngành phải rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất quy định ngăn chặn các công trình thi công xâm hại đến công trình hạ tầng./.
(TTXVN)