Chủ Nhật, 22/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 17/8/2012 20:59'(GMT+7)

Việt Nam có nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu

Tiến sĩ R. K. Pachauri, Chủ tịch IPCC, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Cường.

Tiến sĩ R. K. Pachauri, Chủ tịch IPCC, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Cường.

 

Tại Hội thảo, báo cáo của nhiều chuyên gia đến từ tổ chức IPCC cũng chỉ ra rằng, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng khoảng 0,5 độ C, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn so với mùa hè, nhiệt độ sâu trong đất liền tăng nhanh hơn so với vùng ven biển và hải đảo. Lượng mưa thay đổi ít ở phía Bắc nhưng lại tăng mạnh ở phía Nam, khu vực Nam Trung Bộ có lượng mưa tăng mạnh nhất, nhiều nơi xấp xỉ 20%/50 năm.

Về lũ lụt, hệ thống sông Hồng có xu thế giảm dòng chảy nhưng hiện tượng lũ lớn lại tăng lên về tần suất. Sông Cửu Long cũng có lũ lớn liên tiếp và đỉnh lũ tại Tân Châu (An Giang) năm 2002 vượt qua 4,5m là dấu hiệu về tính bất định có xu thế gia tăng của các đặc trưng thủy văn.

Đánh giá về những tác động tiêu cực của thời tiết ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta, Tiến sĩ R. K. Pachauri, Chủ tịch IPCC cho rằng, Việt Nam cũng như các nước khu vực Đông Nam Á sẽ phải chịu ảnh hưởng tác động của BĐKH đến các lĩnh vực như: Nông nghiệp, tài nguyên nước, sức khỏe, sinh kế và đặc biệt là việc nước biển dâng cao có thể gây ngập lụt cho hàng triệu người ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, "chỉ có thích ứng hoặc chỉ có giảm thiểu không thôi thì không thể tránh được tất cả tác động của BĐKH; tuy nhiên, thích ứng và giảm thiểu bổ sung cho nhau và kết hợp lại có thể giảm đáng kể các rủi ro của BĐKH", ông cho biết thêm.

Về phía Việt Nam, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Lê Công Thành cho rằng, mục tiêu ứng phó với BĐKH ở Việt Nam đã được thể hiện bằng chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH; trong đó, xác định phát triển bền vững là nguyên tắc cơ bản, ứng phó với BĐKH có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và của cả cộng đồng đối với BĐKH. Việt Nam đã làm việc với các nhà tài trợ nhằm hỗ trợ công tác ứng phó với BĐKH, một lượng nguồn vốn tài trợ đã được phân bổ và ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả nhất định trong mục tiêu ứng phó với BĐKH như: Nâng cao nhận thức từ Chính phủ cho tới khu vực tư nhân và toàn cộng đồng về BĐKH, tham gia mạnh mẽ trong đàm phán và hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức từ quốc gia tới địa phương về BĐKH và khí hậu cực đoan, thực hiện các chương trình tài trợ quốc tế về ứng phó với BĐKH, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và phát triển các hoạt động nghiên cứu về BĐKH, cực đoan khí hậu ở Việt Nam.

(Theo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất